×
TÌM KIẾM
EveryVietStudent.com
Một Nơi An Toàn Để Khám Phá Những
 Câu Hỏi Về Đời Sống và Đức Chúa Trời
Sự hiện hữu

Tại sao lại chọn Đức Chúa Trời của Thánh Kinh?

Bản chất con người luôn thích được tự do lựa chọn “một vị thần” cho riêng mình. Nhưng tại sao chúng ta nên chọn Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh?

WhatsApp Share Facebook Share Twitter Share Share by Email More PDF

Trong tâm trí của nhiều người luôn có một vị thần “lý tưởng” nào đó. Có thể chúng ta nghĩ Thượng Đế phải là Đấng có liên hệ với chúng ta, chăm sóc chúng ta. Những đặc tính sau đây sẽ cho chúng ta biết khá nhiều điều Thánh Kinh nói về “Thượng Đế”…

#1: Bản tính của Đức Chúa Trời - Đấng vĩ đại hơn chúng ta

Con người trong vài năm qua đã có nhiều bước tiến to lớn. Chúng ta có thể sống lâu hơn tổ phụ, bay nhanh hơn vận tốc âm thanh, và tiếp cận thế giới chỉ qua bàn phím máy vi tính… Nhưng trong khi chúng ta đang trên đà tiến bộ ở vài mặt nào đó thì vẫn còn nhiều vấn đề chúng ta dường như chưa cải thiện được. Cứ mỗi thập kỷ trôi qua, chúng ta lại thấy tội phạm nghiêm trọng, tỷ lệ ly hôn, và nạn tự tử của giới trẻ ngày càng gia tăng. Hàng ngàn người trên thế giới nhiễm HIV mỗi ngày. Hàng trăm triệu người phải chịu đói kém thường xuyên.

Danh sách này còn có thể dài hơn nữa. Lấy ví dụ trong những thập kỉ gần đây, chúng ta chứng kiến một con số kỷ lục về chiến tranh toàn cầu. Nếu con người là Thượng Đế, dường như chúng ta vẫn chưa làm một vị thần tốt. Thậm chí với nền kĩ thuật tiên tiến, con người vẫn tiếp tục phạm tội, ly dị, xung đột sắc tộc, và chịu nạn đói do chính phủ áp đặt (government-imposed hunger). Vậy thì, sẽ tốt hơn chăng khi có một Đức Chúa Trời vĩ đại hơn con người, là Đấng duy nhất có khả năng đưa chúng ta xa hơn nơi chúng ta có thể đi bằng chính sức mình?

Đức Chúa Trời mà Kinh Thánh mô tả chính là Đấng đó. Ngài công bố Ngài là Đấng Tạo Hóa của vũ trụ, Đấng Siêu Việt, Đấng Toàn Tri, Toàn Năng, Đấng luôn hiện hữu và duy trì vạn vật. Ngài phán: “Ấy chính Ta đã làm ra đất, dựng nên loài người ở trên đất; chính Ta, tức là tay Ta, đã giương ra các từng trời.”1 Hay “Ta là Đức Chúa Trời, và chẳng có Chúa nào khác; ta là Đức Chúa Trời, chẳng có ai giống như Ta.”2 Và “Chúa là Đức Chúa Trời, ĐẤNG HIỆN CÓ, ĐÃ CÓ, VÀ CÒN ĐẾN là Đấng Toàn năng.”3

#2: Bản tính của Đức Chúa Trời - Đấng chúng ta có thể nhận biết cách cá nhân

Có một ý nghĩ khá phổ biến ngày nay: Người ta cho rằng Thượng Đế là một dạng trường lực nào đó tồn tại trong vạn vật. Nhưng thậm chí nếu mọi vật tồn tại và được duy trì liên tục từng giây phút bởi quyền năng của Thượng Đế, thì trong Ngài ta còn thấy nhiều điều hơn thế nữa. Lấy ví dụ, sẽ tốt hơn chăng nếu có một Đức Chúa Trời giống như người cha người mẹ, anh chị em hay bằng hữu của bạn? Đấng bạn có thể trò chuyện, chia sẻ khó khăn, nhận sự chỉ dẫn, và cùng trải nghiệm cuộc sống? Nhưng ở một Thượng Đế vô cảm, xa vời và không ai biết đến thì đâu có gì đặc biệt?

Dầu uy nghiêm và “khác biệt”, Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh là Đấng có thể biết được và Ngài muốn mọi người biết đến. Dầu Chúa là Đấng vô hình, nhưng chúng ta có thể trò chuyện với Ngài, nêu thắc mắc và lắng nghe Ngài, rồi Ngài sẽ đáp lời chúng ta, hướng dẫn đời sống chúng ta. Ngài thường đáp lời và hướng dẫn chúng ta qua Lời Ngài, là Kinh Thánh, hay còn gọi là bức thư tình của Thượng Đế dành cho con người.

Một người có thể có cùng một loại quan hệ với Đức Chúa Trời như với những thành viên thân thiết trong gia đình. Thực tế, đối với những ai biết Ngài, Ngài gọi họ là con cái, là nàng dâu, là bạn hữu. Vì thế Đức Chúa Trời của Kinh Thánh không phải là Đấng vô cảm. Ngài biết buồn, biết giận, Ngài tỏ lòng thương xót, ân cần và tha thứ, là một hữu thể hoàn toàn có tình cảm. Ngài hiểu biết rộng, có nhân cách và hóm hỉnh. Chúng ta có thể biết nhiều hơn là những sự kiện về Ngài, thực tế chúng ta có thể biết Ngài cách thân thiết như một người bạn thân nhất. “Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật.”4

#3: Bản tính của Đức Chúa Trời - Đấng có thể gắn liền với trải nghiệm của con người

Vài người nghĩ Thượng Đế thì xa vời, như kiểu Ngài tạo dựng nên vũ trụ rồi để mặc nó tự hoạt động. Nếu có một Thượng Đế, là Đấng có liên hệ đến vũ trụ, và đặc biệt liên hệ đến những điều đang diễn ra trên đất thì không tốt hơn sao? Còn những khó khăn, trách nhiệm và thách thức độc nhất vô nhị mà con người phải đối diện thì sao? Sẽ tốt hơn phải không nếu có một Thượng Đế có thể hiểu được những trăn trở ấy, một Thượng Đế bằng cách nào đó biết được sống chịu đựng trong một thế giới khắc nghiệt mà Ngài cho phép nó tồn tại là thế nào?

Đức Chúa Trời của Thánh Kinh hiểu làm một người trong chúng ta là thể nào. Chúa Giê-xu không chỉ là Con của Đức Chúa Trời, mà Ngài còn là Đức Chúa Trời, Đấng mang lấy hình hài và bản chất con người. “Ban đầu có Ngôi Lời [Chúa Giê-xu], Ngôi Lời [Chúa Giê-xu] ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời [Chúa Giê-xu] là Đức Chúa Trời. Ngôi Lời đã trở nên xác thịt [con người], ở giữa chúng ta.”5

Nói về Con Đức Chúa Trời, Kinh Thánh chép: “Con là sự chói sáng của sự vinh hiển Đức Chúa Trời và hình bóng của bổn thể Ngài.”6 Ngài là “hình ảnh của Đức Chúa Trời không thấy được.”7 Ngài là “Đức Chúa Trời Quyền năng, là Cha Đời đời”8 Ngài “lấy hình giống như loài người”9 và “Ngài đã hiện ra như một người.”9 “Vì sự đầy dẫy của bổn tánh Đức Chúa Trời thảy đều ở trong Ngài như có hình.”10 Và “Vì muôn vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật không thấy được.”11

Chúa Giê-xu nói về chính Ngài: “Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha.”12 “Còn ai thấy ta, là thấy Đấng đã sai ta đến.”13 Và “Ta với Cha là một.”14

Dầu Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời hoàn toàn, Ngài cũng là con người hoàn toàn. Ngài đói bụng, buồn ngủ, và Ngài khóc… Ngài đã chịu mọi loại khó khăn mà chúng ta gặp phải. Vậy nên Kinh Thánh chép Ngài chẳng phải “chẳng có thể cảm thương sự yếu đuối chúng ta.”15 Ngài “bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội.”15

Vì thế Đức Chúa Trời của Kinh Thánh không đứng ngoài những khó khăn, đau khổ và gian ác trong thế giới chúng ta. Ngài sống chịu đựng như chúng ta phải chịu đựng. Thực tế Ngài đã sống cuộc đời khiêm tốn khi còn ở hành tinh này. Ngài đã hạ sanh trong một gia đình nghèo khó, vẻ bên ngoài của Ngài cũng không hấp dẫn. Ngài còn đối diện với những định kiến và căm ghét của con người, thậm chí bị gia đình và bạn hữu hiểu lầm và bị xử tử cách phi lý.

#4: Bản tánh của Đức Chúa Trời - Đấng thật chăm nom chúng ta

Hầu hết chúng ta muốn được yêu thương và chấp nhận. Chúng ta muốn người khác quan tâm chúng ta thật sự, không chỉ bằng lời nói bên ngoài. Chúng ta muốn sự quan tâm và chăm sóc của họ phải được chứng tỏ bằng hành động cụ thể. Điều này có đúng với Chúa hay không? Nghĩa là, nếu Chúa thật sự quan tâm chúng ta và ban cho chúng ta bằng chứng xác thật để chứng minh tình yêu ấy, thì đó không phải là điều lý tưởng sao?

Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh thực sự quan tâm đến con người. Ngài đã phán điều này trong Lời của Ngài. Kinh Thánh thật công bố: “Đức Chúa Trời là sự yêu thương.”16 Nhưng lời nói không truyền tải mối quan tâm và chăm sóc cho bằng hành động. Khi hành động, Chúa của Kinh Thánh quả thật là Đấng độc nhất vô nhị và lạ lùng thay. Ngài thật sự tỏ cho chúng ta biết Ngài quan tâm chúng ta nhiều bao nhiêu…

“Lòng Đức Chúa Trời yêu chúng ta đã bày tỏ ra trong điều nầy: Đức Chúa Trời đã sai Con một Ngài đến thế gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống. Nầy, sự yêu thương ở tại đây: ấy chẳng phải chúng ta đã yêu Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu chúng ta, và sai Con Ngài làm của lễ chuộc tội chúng ta.”17 “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.”18

Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh tuyên bố Ngài là Đấng toàn hảo và thánh khiết. “Đức Chúa Trời là sự sáng, trong Ngài chẳng có sự tối tăm đâu.”19 Như thế, Ngài mong ước những mối quan hệ phải trong sáng và thanh khiết. Do đó, Ngài đã sai chính Con của Ngài đến mở một con đường cho chúng ta để chúng ta trở nên thánh sạch trước Chúa. Chúa Giê-xu đã sống một đời sống hoàn hảo đức hạnh, và Ngài chịu đòn roi, tra khảo và chịu đóng đinh, làm “giá chuộc” cho tất cả những điều sai trái chúng ta suy nghĩ, nói năng và hành động (được gọi là “tội lỗi”). Về ý nghĩa nào đó, Ngài đã chết thay cho chúng ta, vì cớ chúng ta. “Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời.”20 “Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy: Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi [sự vi phạm] của hết thảy chúng ta đều chất trên người.”21

Đức Chúa Trời quan tâm con người đến nỗi Ngài đã sai Chúa Giê-xu, Con Ngài, đến để chết thay chúng ta, vì tội lỗi chúng ta. Đây là cách Chúa muốn biết chúng ta nhiều bao nhiêu. Ngài sẵn lòng làm tất cả những gì cần thiết… giải quyết tội lỗi chúng ta là điều cần thiết. Giờ đây chúng ta có thể được tha thứ hoàn toàn và bắt đầu mối quan hệ tự do với Đức Chúa Trời.

#5: Bản tánh của Đức Chúa Trời - Đấng quản cai muôn loài hoàn toàn

Có phải tất cả những điều kinh khủng xảy ra trên thế giới chứng minh rằng không hề có một Thượng Đế tốt lành và toàn năng đang tồn tại không? Không hẳn như vậy! Ngay cả một Đức Chúa Trời toàn hảo đôi khi cũng cho phép những điều xấu xảy ra, như là một phần nằm trong kế hoạch lớn hơn nào đó của Ngài. Chúa luôn có thể biết chính xác điều gì sẽ xảy ra và chỉ cho phép vài việc xảy ra, tất cả là một phần trong kế hoạch vĩ đại của Ngài.

Đức Chúa Trời của Kinh Thánh là Đấng đó. Ngài công bố không việc gì xảy ra trên đất nếu Ngài không phán vậy. Chúa cai trị tuyệt đối trên vạn vật. “Nếu chẳng phải Chúa truyền lịnh, ai hay nói ra và sự ấy được thành?”22 “Ta đã rao sự cuối cùng từ buổi đầu tiên, và đã nói từ thuở xưa những sự chưa làm nên. Ta phán rằng: Mưu của ta sẽ lập, và ta sẽ làm ra mọi sự ta đẹp ý.”23 “Mưu của Đức Giê-hô-va được vững lập đời đời, ý tưởng của lòng Ngài còn đời nầy sang đời kia.”24 “Trong lòng loài người có nhiều mưu kế; song ý chỉ của Đức Giê-hô-va sẽ thành được.”25

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa mọi sự xảy ra đều là điều Chúa yêu thích. Lấy ví dụ, Chúa Giê-xu dạy các môn đồ Ngài làm thế nào để cầu nguyện; trong lời cầu nguyện ấy, một trong những câu quan trọng là: “Xin ý Cha được nên, ở đất cũng như ở trời.”26 Ý muốn về mặt đạo đức của Đức Chúa Trời luôn được thực hiện trên trời, nhưng không thường được thành trên đất. Dầu Ngài tể trị tối cao trên mọi vật nhưng Ngài không thích những thứ xảy ra trên đất. Nhưng vì lý do nào đó, Ngài cho phép điều đó xảy ra (ý muốn cho phép của Chúa), ấy có lẽ là vì con người có quyền tự do chọn lựa.

Nhưng Đức Chúa Trời có một kế hoạch và Ngài sẽ không yên nghỉ cho đến chừng “Ngài làm thành mọi ý định trong lòng.”27 Kế hoạch đó là gì? Mục tiêu cuối cùng của Chúa là Ngài sẽ ở với con người trong một môi trường hoàn toàn khác so với những gì chúng ta kinh nghiệm hiện tại. Trong thế giới đó, Chúa phán rằng: “Này, đền tạm của Đức Chúa Trời ở giữa loài người! Ngài sẽ ở với chúng, và chúng sẽ làm dân Ngài; chính Đức Chúa Trời sẽ ở với chúng. Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than khóc, kêu ca, hay là đau đớn nữa; vì những sự thứ nhất đã qua rồi. Nầy, ta làm mới lại hết thảy muôn vật!”28

#6: Đức Chúa Trời - Đấng ban cho chúng ta ý nghĩa và mục đích của cuộc sống

Nếu bạn nghĩ về một nhiệm vụ hay một dự án quan trọng mà bạn đã hoàn tất, có thể bạn sẽ hồi tưởng về ý nghĩa và mục đích của công việc đã hoàn thành. Đó có phải là điều bạn muốn cho toàn bộ cuộc đời mình? Đạt được mục đích nào đó? Có thể có một Đức Chúa Trời, Đấng tạo nên cuộc sống bạn với một đích nào đấy và có thể dẫn dắt bạn đạt được mục đích ấy không?

Thật vậy, Đức Chúa Trời của Kinh Thánh có thể làm được điều đó. Ngài hứa Ngài có thể làm đời sống chúng ta đầy ý nghĩa và có mục đích. Qua mối quan hệ với Ngài, chúng ta có thể “làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo.”29 Chúng ta có thể tác động tích cực vào đời sống của người khác. Chúng ta có thể trở thành một phần trong toàn bộ chương trình của Ngài.

Đức Chúa Trời cũng hứa trong mỗi giây phút tương giao với Chúa, Ngài sẽ hướng dẫn bước chân của chúng ta để chúng ta có thể làm điều đẹp lòng Ngài, và làm những gì chúng ta ưa thích nhất. “Phàm trong các việc làm của con, khá nhận biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo của con.”30 Điều này không nói cuộc sống sẽ trở nên hoàn toàn tuyệt vời. Vẫn còn đó những bệnh tật, nan đề trong cuộc sống, và những thất bại cá nhân. Cuộc sống không trở nên hoàn hảo, nhưng nó sẽ phong phú hơn! Những ích lợi trong việc nhận biết Đức Chúa Trời là “yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại và tiết độ.”31

#7: Đức Chúa Trời - Đấng ban sự thỏa lòng thực sự

Cũng như việc được yêu thương và được chấp nhận, hầu hết chúng ta muốn tìm thấy sự thỏa lòng trong đời sống. Nó giống như cơn khát trong chúng ta mong mỏi được đáp ứng. Nhưng cơn khát này -- dù chúng ta có cố gắng -- cũng không được thỏa mãn bởi những thứ như tiền bạc, của cải, sự lãng mạn, hay kể cả niềm vui. Do đó, không tuyệt sao khi có một Đức Chúa Trời, Đấng làm thoả mãn “cơn khát” đó, Đấng mà sự hiện diện của Ngài đem đến sự thỏa mãn liên tục cho đời sống?

Đức Chúa Trời của Kinh Thánh làm cuộc sống chúng ta có thể được thoả mãn nhất. Chúa Giê-xu phán: “Ta đã đến, hầu cho chiên được sự sống, và được sự sống dư dật.”32 Ngài cũng phán rằng: “Ta là bánh của sự sống; ai đến cùng ta chẳng hề đói, và ai tin ta chẳng hề khát.”33 Vì thế, Đức Chúa Trời của Kinh Thánh hứa sẽ làm thỏa những khao khát trong lòng mà dường như không có thứ gì khác có thể làm được điều ấy. (Và có lẽ Ngài đã dựng nên chúng ta để thích hợp với điều đó!)

Một Đức Chúa Trời lý tưởng

Theo Kinh Thánh, chỉ có duy nhất một Đức Chúa Trời chân thật, duy nhất một Đấng Tạo Hóa của muôn vật. Và Đấng ấy cũng là một Đức Chúa Trời lý tưởng. Chúng ta không thể ao ước một Đức Chúa Trời nào khác hiện hữu, nhưng dầu chúng ta có thể thì tại sao chúng ta lại muốn như vậy? Đức Chúa Trời chân thật ấy đã là Đấng tốt nhất có thể.

Bài viết này chỉ bàn sơ qua về Đức Chúa Trời của Kinh Thánh là Đấng như thế nào. Nếu bạn ao ước muốn khám phá vấn đề này rõ hơn, bạn có thể đọc sách “Giăng” trong Kinh Thánh. Nếu bạn chân thành và nếu Đức Chúa Trời của Thánh Kinh là thật, việc Ngài bày tỏ chính Ngài cho bạn không có ý nghĩa gì với bạn sao? Chúa hứa: “Ta yêu mến những người yêu mến ta, phàm ai tìm kiếm ta sẽ gặp ta.”34 “Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho.”35

Có phải bạn đang tự hỏi làm sao bạn có thể biết được Đức Chúa Trời lý tưởng này? Về cơ bản, bắt đầu mối quan hệ với Chúa cũng khá giống với bắt đầu cuộc hôn nhân. Cần có một quyết định tự nguyện để bước vào mối quan hệ này. Tương tự, với Chúa, vấn đề là bạn phải nói với Ngài một cách thành thật: “Con muốn.”

Chúa Giê-xu chết cho tội lỗi của chúng ta, ba ngày sau Ngài đã sống lại và sống mãi cho đến hôm nay. Hiện Ngài ban cho chúng ta cuộc đời mới nếu chúng ta tin nơi Ngài để được Ngài tha thứ tội lỗi: “Đây là ý muốn của Cha ta, phàm ai nhìn Con và tin Con, thì được sự sống đời đời; còn ta, ta sẽ làm cho kẻ ấy sống lại nơi ngày sau rốt.”36

Đức Chúa Trời không thiên vị ai hết. Mọi người đều được tạo dựng theo hình ảnh của Ngài. Vì thế, gia đình đời đời của Ngài được mô tả là “vô số người, không ai đếm được, bởi mọi nước, mọi chi phái, mọi dân tộc, mọi tiếng mà ra.”37 Và không tội lỗi nào trong cuộc đời bạn có thể ngăn bạn bắt đầu mối quan hệ với Chúa. Ngài đã giải quyết vấn đề tội lỗi trên thập tự giá, nơi Chúa Giê-xu bị đóng đinh. Vấn đề bây giờ là bạn phải đặt đức tin nơi sự chết của Chúa Giê-xu vì cớ bạn, bất kể bạn đã làm gì trong quá khứ.

Một khi bạn bắt đầu mối quan hệ với Ngài, mối quan hệ ấy sẽ tồn tại đời đời. Nhưng mối quan hệ này cũng là mối quan hệ sống còn hôm nay, ngay trong cuộc đời này. Như bất kỳ mối quan hệ khác, nó sẽ có lúc thăng lúc trầm, lúc vui lúc buồn. Nhưng bạn sẽ ở trong một mối quan hệ với Thượng Đế, Đấng tạo nên bạn với một mục đích (là nhận biết Ngài).

Bạn có cảm thấy Chúa đang gõ cửa lòng bạn không? Chúa Giê-xu phán: “Nầy, ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng ta mà mở cửa cho, thì ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người, và người với ta.”38 Nếu bạn muốn mời Chúa ngự vào đời sống bạn ngay bây giờ, thì sau đây là những lời cầu nguyện gợi ý để hướng dẫn bạn (dầu vậy, điều quan trọng không phải là lập lại chính xác từng lời nhưng là sự chân thành của tấm lòng):

“Lạy Chúa yêu thương, con xưng nhận con là một tội nhân. Cám ơn Chúa vì đã chất hết mọi tội lỗi của con trên chính Ngài qua thân vị của Chúa Giê-xu tại thập tự giá. Con muốn tiếp nhận sự tha thứ của Chúa và được ở trong mối quan hệ với Ngài. Con xin Ngài bước vào cuộc đời con làm Cứu Chúa và Chủ của con, là Đức Chúa Trời của con bắt đầu từ hôm nay, và biến đổi con thành người Ngài muốn.”

Nếu bạn muốn biết nhiều hơn về mối quan hệ với Chúa, xin hãy xem Nhận biết Chúa cách cá nhân. Nếu bạn đã quyết định tin Chúa, chúng tôi rất muốn biết thêm về bạn. Xin vui lòng liên hệ với chúng tôi. Cũng xin email cho chúng tôi nếu bạn có bất kì câu hỏi nào về những vấn đề được trình bày trong bài viết này, muốn biết thêm thông tin về nhận biết Chúa, hay muốn kết nối với những người trong trường đại học của bạn.

 Tôi vừa mới mời Chúa Giê-xu vào cuộc đời tôi (những thông tin hữu ích tiếp sau đây)…
 Tôi có thể sẽ mời Chúa Giê-xu vào cuộc đời tôi, xin hãy vui lòng giải thích thêm cho tôi đầy đủ…
 Tôi có một câu hỏi…

Ghi Chú: (1) Ê-sai 45:12 (2) Ê-sai 46:9 (3) Khải huyền 1:8 (4) Giăng 17:3 (5) Giăng 1:1, 14 (6) Hê-bơ-rơ 1:3 (7) Cô-lô-se 1:15 (8) Ê-sai 9:6 (9) Phi-líp 2:8 (10) Cô-lô-se 2:9 (11) Cô-lô-se 1:16 (12) Giăng 14:9 (13) Giăng 12:45 (14) Giăng 10:30 (15) Hê-bơ-rơ 4:15 (16) 1 Giăng 4:8, 16 (17) 1 Giăng 4:9-10 (18) Giăng 3:16 (19) 1 Giăng 1:5 (20) 2 Cô-rinh-tô 5:21 (21) Ê-sai 53:6 (22) Ca thương 3:37 (23) Ê-sai46:10 (24) Thi thiên 33:11 (25) Châm ngôn 19:21 (26) Ma-thi-ơ 6:10 (27) Giê-rê-mi 23:20 (28) Khải huyền 21:3-5 (29) Ê-phê-sô 2:10 (30) Châm ngôn 3:6 (31) Ga-la-ti 5:22-23 (32) Giăng 10:10 (33) Giăng 6:35 (34) Châm ngôn 8:17 (35) Ma-thi-ơ 7:7 (36) Giăng 6:40 (37) Khải huyền 7:9 (38) Khải huyền 3:20


CHIA SẺ BÀI BÁO NÀY:
WhatsApp Share Facebook Share Twitter Share Share by Email More