×
TÌM KIẾM
EveryVietStudent.com
Một Nơi An Toàn Để Khám Phá Những
 Câu Hỏi Về Đời Sống và Đức Chúa Trời
Biết Đức Chúa Trời

Vượt hơn đức tin mù quáng

Cuộc đời Chúa Cứu Thế Giê-xu. Phải chăng Ngài là Con của Thượng Đế? Cái nhìn sơ lược về cuộc đời Chúa Giê-xu và tại sao tin Ngài không phải là mù quáng…

WhatsApp Share Facebook Share Twitter Share Share by Email More PDF

Paul E. Little

Chúng ta không thể nào biết cách chắc chắn Thượng Đế có tồn tại hay không và hình dung Ngài như thế nào trừ khi Ngài chủ động bày tỏ chính Ngài cho chúng ta. Chúng ta cần biết Ngài là ai và thái độ của Ngài đối với chúng ta như thế nào. Giả sử chúng ta biết rằng Ngài có tồn tại nhưng nếu Ngài giống như Adolf Hitler -- tâm tính thất thường, xấu xa, hay thành kiến và độc ác -- thì sự nhận biết ấy thật kinh khủng dường bao!

Chúng ta cần phải xem xét tỉ mỉ về lĩnh vực lịch sử để xem có bất kỳ dấu hiệu nào về sự mặc khải của Thượng Đế hay không. Có một dấu hiệu khá rõ ràng. Ấy là trong một ngôi làng ít người biết đến tại xứ Pa-lét-tin, cách đây gần 2000 năm, một Hài nhi đã được sanh ra trong chuồng chiên máng cỏ. Ngày nay, cả thế giới vẫn còn kỷ niệm sự giáng sinh của Hài nhi ấy, là Chúa Giê-xu.

Chúa Giê-xu sống một đời sống vô danh, không ai biết đến cho đến khi ba mươi tuổi, Ngài bắt đầu chức vụ công khai trong ba năm, là điều đã được định để thay đổi dòng lịch sử. Ngài là người hiền lành và người ta bảo rằng “đoàn dân lấy đạo Ngài làm lạ” và “vì Ngài dạy như là có quyền, chớ không giống các thầy thông giáo.”1

Cuộc Đời Chúa Cứu Thế Giê-xu. Câu Chuyện Về Ngài Bắt Đầu

Tuy nhiên người ta sớm nhận ra rằng Chúa Giê-xu có những lời tuyên bố về Ngài gây sốc và làm sửng sốt người nghe. Chúa Giê-xu bắt đầu tự nhận Ngài hơn cả bất kì vị giáo sư hay nhà tiên tri đáng kính nào. Ngài khởi sự công bố rõ ràng rằng Ngài là Thượng Đế. Chúa Giê-xu nhấn mạnh về việc Ngài là ai trong lời dạy của Ngài. Câu hỏi quan trọng nhất Chúa đặt ra cho những kẻ theo Ngài là: “Còn các ngươi thì xưng ta là ai?” Khi Si-môn Phi-e-rơ thưa rằng: “Chúa là Đấng Cứu Thế, Con Đức Chúa Trời hằng sống”2, Chúa Giê-xu không ngạc nhiên cũng không quở trách Phi-e-rơ. Trái lại, Ngài còn khen ông!

Chúa Giê-xu tuyên bố những lời trên cách rõ ràng và những thính giả của Ngài hiểu trọn vẹn điều Ngài truyền tải qua lời công bố ấy. Chúng ta đọc thấy: “Bởi cớ đó, dân Giu-đa càng kiếm cách nữa để giết Ngài, chẳng những vì Ngài phạm ngày Sa-bát thôi, mà lại vì Ngài gọi Đức Chúa Trời là Thân Phụ mình, làm ra mình bằng Đức Chúa Trời.”3

Vào dịp khác, Chúa Giê-xu tuyên bố: “Ta với Cha là một.” Lập tức những người Do Thái muốn ném đá Ngài. Ngài hỏi họ vì cớ việc lành nào mà họ muốn giết Ngài. Họ trả lời rằng: “Ấy chẳng phải vì một việc lành mà chúng ta ném đá ngươi, nhưng vì lỗi lộng ngôn: Ngươi là người, mà tự xưng là Đức Chúa Trời.”4

Chúa Giê-xu rõ ràng tuyên bố Ngài có những thuộc tính mà chỉ có Thượng Đế mới có. Khi người bại được dòng xuống từ mái nhà vì muốn được Ngài chữa lành, Ngài phán: “Hỡi con ta, tội lỗi ngươi đã được tha.” Điều này đã gây ra sự huyên náo lớn giữa vòng những nhà lãnh đạo tôn giáo, những người nói thầm trong lòng rằng: “Sao người nầy nói như vậy? Người nói phạm thượng đó! Ngoài một mình Đức Chúa Trời, còn có ai tha tội được chăng?”

Vào thời khắc quan trọng, khi sự sống của Ngài bị đe doạ, thì thầy tế lễ thượng phẩm trực tiếp chất vấn Ngài: “Ấy chính ngươi là Đấng Cứu Thế, Con Đức Chúa Trời đáng ngợi khen phải không?

Đức Chúa Giê-xu đáp rằng: “Ta chính phải đó; các ngươi sẽ thấy Con người ngồi bên hữu quyền phép Đức Chúa Trời, và ngự giữa đám mây trên trời mà đến.”

Bấy giờ thầy cả thượng phẩm xé áo mình ra mà rằng: “Chúng ta có cần kiếm chứng cớ khác nữa làm chi? Các ngươi có nghe lời lộng ngôn chăng?”5

Mối quan hệ giữa Chúa Giê-xu với Thượng Đế quá mật thiết đến nỗi Ngài xem thái độ của một người với Ngài như là thái độ của người với Thượng Đế. Vì vậy, nhận biết Chúa Giê-xu là nhận biết Thượng Đế.6 Thấy Chúa Giê-xu là thấy Thượng Đế.7 Tin Chúa Giê-xu là tin Thượng Đế.8 Tiếp nhận Chúa Giê-xu là tiếp nhận Thượng Đế.9 Ghét Chúa Giê-xu là ghét Thượng Đế.10 Và tôn trọng Chúa Giê-xu cũng là tôn trọng Thượng Đế.11

Chúa Giê-xu Chirst – Con của Thượng Đế?

Khi chúng ta đối diện với những lời tuyên bố của Đấng Cứu Thế, chỉ có bốn khả năng xảy ra. Hoặc Ngài là kẻ nói dối, là kẻ điên loạn, là một huyền thoại, hoặc Ngài là Đấng chân thật. Nếu chúng ta nói Ngài không phải là Đấng chân thật, tự động chúng ta công nhận rằng Ngài là một trong ba loại người còn lại, dầu chúng ta có nhận ra điều đó hay không.

(1) Một khả năng là Chúa Giê-xu đã nói dối khi Ngài tuyên bố Ngài là Thượng Đế -- nghĩa là Ngài biết Ngài không phải là Thượng Đế, nhưng Ngài vẫn chủ tâm đánh lừa những thính giả của Ngài để lời dạy của Ngài thêm phần uy quyền. Nếu vậy, hiếm người thật sự bảo vệ được quan điểm này. Ngay cả những kẻ chối bỏ thần tánh của Đấng Cứu Thế cũng khẳng định Ngài là một giáo sư vĩ đại có đạo đức. Họ không nhận ra hai câu nói này mâu thuẫn nhau. Xét theo điểm chính yếu nhất trong lời dạy dỗ của Ngài -- là Thần tánh của Đấng Cứu Thế -- Chúa Giê-xu khó có thể là một thầy giáo vĩ đại có đạo đức nếu Ngài là một kẻ chủ tâm nói dối.

(2) Khả năng thứ hai cũng không kém phần gây sửng sốt: Ngài cũng có thể là người chân thật nhưng là người tự lừa dối mình. Ngày nay chúng ta có một biệt danh dành cho loại người nghĩ mình là Thượng Đế. Ấy là người điên, và hẳn tên gọi ấy phải dành cho Đấng Cứu Thế nếu thật sự Ngài tự lừa mình về một vấn đề hết sức quan trọng như thế. Nhưng khi chúng ta nhìn vào đời sống của Đấng Cứu Thế, chúng ta không thấy có bằng chứng nào bất bình thường hay mất cân bằng như chúng ta thấy trong một kẻ bị loạn trí. Đúng hơn là chúng ta tìm thấy một sự điềm tĩnh vô cùng dưới những áp lực.

(3) Khả năng thứ ba là tất cả những lời Ngài tự xưng là Thượng Đế chỉ là huyền thoại -- là điều thật sự xảy ra khi những môn đồ nhiệt thành của Ngài đã thêu dệt lời của họ vào lời của Ngài trong thế kỷ thứ ba và thứ bốn. Hẳn Ngài phải sửng sốt lắm khi nghe điều đó. Nếu Ngài trở lại, Ngài sẽ lập tức phản đối họ.

Thứ thuyết huyền thoại này đã bị nhiều khám phá của ngành khảo cổ hiện đại bác bẻ đáng kể. Họ cho thấy có bốn bản tiểu sử đầy thuyết phục về Đấng Cứu Thế được viết trong giai đoạn đương đại với Đấng Cứu Thế. Cách đây không lâu, tiến sĩ William F. Albright, một nhà khảo cổ nổi tiếng thế giới hiện đã nghỉ hưu ở trường Đại học Johns Hopkins, tuyên bố rằng không có lý do gì để tin bất cứ sách Phúc Âm nào được viết sau năm 70. Do đó một câu chuyện huyền thoại về Đấng Cứu Thế đã được lưu truyền trong hình thức các sách Phúc Âm và đã có được ảnh hưởng như hiện nay mà không dựa trên một chút cơ sở Thực tế nào thì thật không thể tin được.

Để điều này xảy ra thì cũng dị thường như để một người trong thời đại chúng ta viết tiểu sử về cựu tổng thống John F. Kennedy và trong bản tiểu sử đó chép rằng Kennedy tuyên bố ông là Thượng Đế, có quyền tha thứ tội của con người và đã sống lại từ cõi chết. Một câu chuyện rõ rồ dại như thế thì nó sẽ chẳng hề được lan truyền đi vì hiện tại vẫn còn quá nhiều người biết về Kennedy. Học thuyết hoang đường này không thể nào đứng vững trong ánh sáng của các bản văn Phúc âm của những thời kì đầu tiên.

(4) Sự lựa chọn duy nhất còn lại là Chúa Giê-xu đã nói sự thật. Tuy nhiên, xét theo một khía cạnh nào đó, những tuyên bố này cũng chẳng có ý nghĩa gì. Lời nói rẻ tiền. Bất kì ai cũng có thể tuyên bố. Có nhiều người tuyên bố họ là Thượng Đế. Tôi cũng có thể tuyên bố mình là Thượng Đế và bạn cũng có thể tuyên bố bạn là Thượng Đế, nhưng câu hỏi mà tất cả chúng ta phải trả lời là: “Bằng cớ nào chúng ta đưa ra để chứng minh cho lời tuyên bố ấy?” Trong trường hợp của tôi, không cần đến 5 phút là bạn có thể bác bỏ lời tuyên bố này. Có lẽ cũng không mất nhiều thời gian hơn để đánh bại lời tuyên bố của bạn. Nhưng đối với Chúa Giê-xu, người Na-xa-rét, điều đó thật không đơn giản. Ngài có những bằng chứng hậu thuẫn cho lời tuyên bố của Ngài. Ngài phán: “Còn nếu ta làm, thì, dầu các ngươi chẳng tin ta, hãy tin những việc ta, để các ngươi hiểu và biết rằng Cha ở trong ta và ta ở trong Cha.”12

Bằng Chứng từ Cuộc Đời của Chúa Giê-xu

Trước hết, phẩm chất đạo đức của Chúa Giê-xu phù hợp với lời tuyên bố của Ngài. Nhiều bệnh nhân tâm thần vẫn xưng mình là người nổi tiếng hay thần thánh nào đó, nhưng những lời tuyên bố của họ đi ngược lại với con người của họ. Với Đấng Cứu Thế thì không. Ngài là Đấng độc nhất vô nhị -- y như Thượng Đế.

Chúa Cứu Thế Giê-xu là Đấng vô tội. Tầm cỡ đời sống của Ngài như thế nên Ngài có thể thách thức kẻ thù của Ngài với câu hỏi: “Trong các ngươi có ai bắt ta thú tội được chăng?”13. Đáp lại Ngài là sự yên lặng, thậm chí dù Ngài đã chỉ đích danh những người thích soi mói lỗi lầm trong con người của Ngài.

Trong Kinh Thánh, chúng ta đã đọc về sự cám dỗ của Chúa Giê-xu, nhưng chúng ta chưa từng nghe về sự xưng nhận tội lỗi nào đó trong đời sống Ngài. Ngài chưa hề cầu xin sự tha thứ dù Ngài bảo với các môn đồ của Ngài làm điều đó.

Việc không phạm sai lầm đạo đức nào trong cuộc đời Chúa Giê-xu đã gây sửng sốt bởi vì nó hoàn toàn trái ngược với kinh nghiệm của những thánh đồ và các nhà thần bí (những người cố gắng để được hoà hợp với Thượng Đế qua sự cầu nguyện và thiền định và do đó hiểu được những điều quan trọng vượt ra ngoài sự hiểu biết của con người – ND) trải qua mọi thời đại. Người nam và người nữ nào càng gần Chúa, họ càng đầy dẫy những thất bại, sa ngã và thiếu sót. Người nào càng gần ánh đèn đang toả sáng, người ấy càng nhận ra mình cần được tắm rửa. Trong lĩnh vực đạo đức, điều này cũng đúng đối với những con người bình thường.

Điều đáng chú ý là Giăng, Phao-lô và Phi-e-rơ, những người được dạy dỗ phải tin vào tính phổ quát của tội lỗi từ rất sớm khi còn thơ ấu, đều nói về sự vô tội của Đấng Cứu Thế: “Ngài chưa hề phạm tội, trong miệng Ngài không thấy có chút chi dối trá.”14

Quan tổng trấn Phi-lát, không phải là bạn hữu của Chúa Giê-xu, nói: “Song người nầy đã làm việc dữ gì?” Ông hoàn toàn nhận ra sự vô tội của Chúa Giê-xu. Và thầy đội người La Mã, người từng chứng kiến cái chết của Chúa Giê-xu, nói: “Thật người nầy là Con Đức Chúa Trời.”15

Thứ nhì, Đấng Cứu Thế bày tỏ quyền năng cai trị trên sức mạnh của tự nhiên, là điều chỉ có Thượng Đế, Đấng tạo ra sức mạnh này, mới có thể làm được.

Ngài làm yên sóng gió của cơn bão dữ trên biển Ga-li-lê. Qua việc này, Ngài khiến những người trên thuyền không khỏi thắc mắc kinh hoàng: “Vậy thì người nầy là ai, mà gió và biển cũng đều vâng lịnh người?”16 Ngài biến nước thành rượu, nuôi 5.000 người ăn từ 5 cái bánh và 2 con cá, khiến đứa con một của người đàn bà goá khốn khổ sống lại từ cõi chết và làm sống lại đứa con gái đã chết của một người cha đau khổ. Đối với người bạn cũ của Ngài, Ngài phán: “Hỡi La-xa-rơ, hãy ra!” và thình lình khiến người sống lại. Đây là phép lạ có ý nghĩa nhất mà kẻ thù của Ngài không thể nào chối bỏ. Đúng hơn là họ cố để giết Ngài. “Nếu chúng ta để cho người làm, thì thiên hạ tin người, rồi dân Rô-ma sẽ đến diệt nơi nầy và cả nước chúng ta nữa.”17

Thứ ba, Chúa Giê-xu bày tỏ quyền năng của Đấng Tạo Hoá trên bệnh tật. Ngài khiến kẻ què được đi, kẻ câm được nói và kẻ mù được thấy. Nhiều phép lạ chữa lành của Ngài đã được thi thố trên những căn bệnh bẩm sinh không dễ được chữa trị. Trường hợp nổi bật nhất là việc chữa lành người mù được ký thuật trong đoạn 9 của sách Phúc Âm Giăng. Dù người này không thể trả lời câu hỏi của những kẻ chất vấn mình, nhưng kinh nghiệm của người đủ để thuyết phục họ. Người tuyên bố: “Tôi… chỉ biết một điều, là tôi đã mù mà bây giờ lại sáng.” Người này kinh ngạc khi bạn bè của người chẳng biết Đấng chữa lành cho người chính là Con của Thượng Đế. Người nói: “Người ta chẳng bao giờ nghe nói có ai mở mắt kẻ mù từ thuở sanh ra.” Đối với người, bằng chứng này quá rõ ràng.

Thứ tư, bằng chứng quan trọng nhất chứng minh lời công bố về thần tánh của Chúa Giê-xu là sự phục sinh của Ngài. Năm lần trong cuộc đời của Chúa Giê-xu, Ngài đã tiên báo rằng Ngài sẽ chết. Ngài cũng báo trước rằng Ngài chết như thế nào và ba ngày sau, Ngài sẽ sống lại từ cõi chết và sẽ hiện ra cho các môn đồ.

Chắc chắn đây là sự thử thách lớn. Đây là lời công bố có thể dễ dàng được kiểm tra. Nó hoặc xảy ra hoặc không xảy ra.

Cả những bạn hữu và kẻ thù của niềm tin Cơ Đốc đều nhận biết sự sống lại của Đấng Cứu Thế là nền tảng của đức tin. Phao-lô, một sứ đồ vĩ đại, từng viết: “Lại nếu Đấng Cứu Thế đã chẳng sống lại, thì sự giảng dạy của chúng tôi ra luống công, và đức tin anh em cũng vô ích.”18 Phao-lô đặt cả niềm tin của mình vào sự phục sinh của Đấng Cứu Thế. Hoặc Ngài đã sống lại hoặc là Ngài không sống lại. Nếu Ngài đã sống lại thì đó là sự kiện gây xôn xao nhất trong cả lịch sử.

Nếu Chúa Giê-xu là Con của Thượng Đế…

Nếu Đấng Cứu Thế đã sống lại, chúng ta biết chắc chắn rằng Thượng Đế có tồn tại, Ngài là ai và làm sao chúng ta có thể nhận biết Ngài bằng kinh nghiệm của bản thân. Vũ trụ này đều có ý nghĩa và mục đích của nó, và mục đích đó có thể là để kinh nghiệm một Thượng Đế hằng sống trong đời sống tạm bợ này.

Lời nói rẻ tiền. Bất kì ai cũng có thể tuyên bố. Nhưng đối với Chúa Giê-xu, người Na-xa-rét… Ngài có những bằng chứng hậu thuẫn cho lời tuyên bố của Ngài.

Mặt khác, nếu Đấng Cứu Thế không sống lại từ cõi chết, Cơ Đốc Giáo chỉ là một thứ đồ cổ thú vị -- không hơn không kém. Nó không có giá trị hay thực tại khách quan gì cả. Dù nó là một tư tưởng khôn ngoan đẹp đẽ thì hẳn không đáng để chúng ta tranh chiến vì nó. Những thánh tử đạo, những người từng hát ngợi khen trước hàm sư tử và những giáo sĩ đương thời, những người đã hiến cả đời sống mình ở xứ Ê-cu-a-đo và Công-gô để truyền rao sứ điệp này cho người khác, hẳn phải là những tên ngốc đáng thương bị lừa dối.

Sự công kích của kẻ thù vào Cơ Đốc Giáo thường tập trung vào sự phục sinh vì đây rõ ràng là sự kiện then chốt. Một cuộc công kích đáng chú ý là cuộc tấn công vào đầu những năm 30 bởi một luật sư trẻ tuổi người Anh. Ông tin chắc rằng sự phục sinh chỉ là truyền thuyết hay điều tưởng tượng. Nhận thấy sự phục sinh là nền tảng của đức tin Cơ Đốc, ông quyết định làm ơn cho cả thế giới một lần và đủ cả bằng cách phơi bày sự giả dối và mê tín này. Là một luật sư, ông cảm thấy ông có năng lực phán đoán để xem xét các bằng chứng cách sát sao và để phủ nhận bất cứ bằng chứng nào chưa đủ đáp ứng những tiêu chuẩn hà khắc cho một phiên toà xét xử ngày nay.

Tuy nhiên, đang khi Frank Morrison tiến hành khảo sát, một sự kiện lạ lùng đã xảy ra. Vụ án này không hoàn toàn đơn giản như ông nghĩ. Kết quả là chương đầu của quyển sách Ai đã dời tảng đá? (Who Moved the Stone?) của ông được đặt tiêu đề: “Quyển sách bị từ chối viết ra.” Trong đó ông mô tả làm thế nào mà ông, với tư cách là một người khảo sát bằng chứng, được thuyết phục đi ngược lại ý định ban đầu của mình về sự kiện phục sinh của Đấng Cứu Thế.

Sự chết của Chúa Giê-xu

Cái chết của Chúa Giê-xu là do bị hành hình cách công khai trên thập tự giá. Chính quyền bấy giờ tuyên án Ngài vì tội phạm thượng. Chúa Giê-xu phán rằng Ngài chết là để trả cho tội lỗi chúng ta. Sau khi bị tra tấn dã man, tay và chân của Chúa Giê-xu bị đóng đinh vào thập tự giá, nơi Ngài bị treo và trút hơi thở dần dần cho đến chết. Một lưỡi gươm đâm vào hông Ngài để xác định rằng Ngài thật đã chết.

Xác của Chúa Giê-xu sau đó được quấn khăn quanh người với xấp xỉ 100 cân Anh chất ướp. Thân thể Ngài được đặt trong một ngôi mộ đá vững chãi và một tảng đá nặng khoảng 1,5-2 tấn được lăn bằng đòn bẩy để lấp cửa mộ. Vì Chúa Giê-xu đã công bố công khai sau ba ngày Ngài sẽ sống lại từ cõi chết, nên một toán lính La Mã được huấn luyện đã đóng quân trước ngôi mộ. Và một con dấu niêm phong của chính quyền La Mã cũng được đóng vào cửa mộ để công bố nó là thuộc về chính quyền.

Dầu vậy, ba ngày sau, xác Ngài biến mất. Chỉ còn lại tấm vải liệm bẹp dúm xếp theo hình cái xác. Tảng đá được niêm phong trước đó được tìm thấy trên triền dốc, cách một khoảng so với ngôi mộ.

Phải chăng sự phục sinh của Chúa Giê-xu chỉ là chuyện bịa đặt?

Lời giải thích sớm nhất được lưu truyền là các môn đồ đã đánh cắp xác Chúa! Trong Ma-thi-ơ 28:11-15, chúng ta có lời ký thuật về phản ứng của các thầy tế lễ cả và những trưởng lão khi lính canh báo cho họ một tin tức khó giải thích khiến họ điên tiết lên, ấy là xác Chúa đã biến mất. Họ cho bọn lính tiền và dặn chúng giải thích việc này là do các môn đồ đã lén đến lúc nửa đêm và ăn cắp xác trong khi chúng ngủ. Câu chuyện này hết sức phi lý đến nỗi thậm chí Ma-thi-ơ không buồn bác bẻ lại! Vị quan toà nào sẽ nghe lời bạn nếu bạn nói rằng trong khi bạn ngủ bạn biết chính người hàng xóm của bạn lẻn vào nhà bạn và ăn trộm cái tivi của bạn? Ai mà biết được chuyện gì xảy ra khi người ấy đang ngủ? Làm chứng kiểu này chỉ khiến bị người ta chê cười giữa phiên toà.

Hơn nữa, chúng ta phải đối diện với những vấn đề không thể xảy ra được về mặt đạo đức và tâm lý. Ăn cắp xác của Đấng Cứu Thế là điều hoàn toàn xa lạ đối với cá tính của các môn đồ và tất cả những gì chúng ta biết về họ. Nó có nghĩa họ là thủ phạm của lời dối trá cách cố ý và họ phải chịu trách nhiệm về sự lừa dối đó cũng như hàng ngàn cái chết của người khác. Điều ấy không thuyết phục vì thậm chí nếu một vài môn đồ lập mưu thực hiện vụ trộm này, họ hẳn sẽ không bao giờ nói cho người khác biết.

Mỗi môn đồ đều đối diện với sự thử thách bị tra khảo và tuận đạo vì cớ những lời công bố về niềm tin của mình. Những người nam và người nữ sẽ chết vì điều họ tin là đúng, dầu thật sự nó không đúng. Tuy nhiên, họ không bao giờ chết cho điều họ biết là dối trá. Nếu có người nào đó nói lên sự thật, thì ấy là lúc người sắp lìa đời. Và nếu các môn đồ đã đánh cắp xác Chúa và Đấng Cứu Thế không sống lại, chúng ta vẫn vướng phải nan đề trong việc giải thích sự hiện ra rành rành của Đấng Cứu Thế.

Giả thuyết thứ hai là những nhà chức trách người Do Thái hay người La Mã đã dời xác Chúa! Nhưng tại sao họ làm thế? Đã đặt lính canh gác ngôi mộ thì họ cần dời xác Chúa để làm gì? Hơn nữa, chúng ta giải thích sao về sự im lặng của các nhà chức trách khi đối diện với sự giảng đạo cách dạn dĩ của các sứ đồ về sự Phục sinh tại Giê-ru-sa-lem? Những nhà lãnh đạo tôn giáo đang sôi sục giận dữ và làm mọi thứ có thể để ngăn chặn sự lan truyền sứ điệp rằng Chúa Giê-xu sống lại từ cõi chết. Họ bắt Phi-e-rơ và Giăng, đánh đập và hăm doạ họ với nỗ lực bắt họ phải im lặng.

Nhưng có một giải pháp rất đơn giản cho nan đề của họ. Nếu họ đã có xác Đấng Cứu Thế, họ hẳn có thể đem xác ấy diễu hành trên các đường phố ở Giê-ru-sa-lem. Với đòn công kích ác liệt như thế, họ sẽ thành công trong việc dập tắt đạo Chúa từ trong trứng nước. Việc họ không làm như thế chứng tỏ hùng hồn rằng họ không có xác Chúa.

Một giả thuyết khá phổ biến khác là những người đàn bà trong lúc đau khổ và quẫn trí đã đi nhầm đường và đã đến ngôi mộ khác trong lúc trời còn tờ mờ sáng. Trong đau buồn, họ tưởng tượng ra rằng Đấng Cứu Thế đã sống lại vì ngôi mộ trống không. Tuy nhiên, giả thuyết này không đứng vững trước cùng sự kiện đánh bại giả thuyết trước. Nếu những người đàn bà này đến nhầm mộ, tại sao những thầy tế lễ cả và những kẻ thù của đức tin không đến đúng ngôi mộ để trình cái xác ra? Hơn nữa, thật chẳng lấy làm thuyết phục khi Phi-e-rơ và Giăng cũng mắc phải lỗi lầm tương tự và chắc chắn là Giô-sép người A-ri-ma-thê, chủ nhân của ngôi mộ, sẽ giải quyết được vấn đề này. Thêm nữa, chúng ta phải nhớ rằng đây là mảnh đất dùng để an táng của cá nhân chứ không phải nghĩa trang chung. Không có ngôi mộ nào gần đó khiến họ mắc phải sai lầm này.

Người ta cũng đưa ta giả thuyết cho rằng Đấng Cứu Thế chỉ bị bất tỉnh để giải thích về ngôi một trống. Theo quan điểm này, Đấng Cứu Thế không thật sự chết. Người ta bị nhầm lẫn khi thuật lại rằng Ngài đã chết, nhưng Ngài chỉ bị bất tỉnh vì kiệt sức, đau đớn và mất nhiều máu. Khi Ngài được đặt nằm trong ngôi mộ lạnh giá, Ngài đã hồi tỉnh. Ngài bước ra khỏi mộ và xuất hiện trước các môn đồ, những người tưởng lầm rằng Ngài đã sống lại từ cõi chết. Đây là giả thuyết theo lối giải thích hiện đại. Nó xuất hiện lần đầu tiên vào cuối thế kỷ 18. Điều quan trọng là không có lời giải thích nào như thế xuất hiện từ sớm trong những cuộc tấn công tàn khốc vào đạo Chúa. Tất cả những bản ký thuật sớm nhất đều khẳng định về cái chết của Chúa Giê-xu.

Người ta sẽ chết vì điều họ tin là đúng, dầu thật sự nó không đúng. Tuy nhiên, họ không bao giờ chết cho điều họ biết là dối trá.

Nhưng cứ cho rằng Đấng Cứu Thế được chôn trong tình trạng bị bất tỉnh và vẫn còn sống đi. Liệu có thể tin rằng Ngài vẫn còn sống sau ba ngày trong ngôi mộ ẩm ướt, không có thức ăn và nước uống hay bất kì sự chăm sóc nào hay không? Liệu Ngài còn đủ sức lực để gỡ bỏ lớp vải liệm, lăn tảng đá nặng ra khỏi cửa mộ, đánh thắng bọn lính canh và đi bộ hàng dặm trên đôi chân trần mang dấu đinh hay không? Một niềm tin như thế còn vĩ đại hơn cả việc tin vào sự kiện phục sinh đơn giản này.

Ngay cả nhà phê bình người Đức, ông David Strauss, người không tin chút nào vào sự Phục sinh, cũng bác bỏ ý kiến không thể nào tin nổi này. Ông nói:

Không thể nào một người vừa bước ra khỏi mộ trong tình trạng dở sống dở chết, lê bước yếu ớt và nặng nhọc, cần được chữa trị, băng bó, nâng đỡ, chăm sóc tử tế, là người cuối cùng không chịu đựng nổi sự khổ hình, lại có thể gây ấn tượng cho những môn đồ rằng Ngài là Đấng chiến thắng bệnh tật và mồ mả; rằng Ngài là Hoàng Tử của Sự Sống.

Cuối cùng, nếu giả thuyết này là đúng, chính Đấng Cứu Thế đã dính líu đến một vụ lừa đảo trắng trợn. Các môn đồ của Ngài tin và giảng rằng Ngài đã chết và đã sống lại. Chúa Giê-xu không làm gì để đánh tan niềm tin này nhưng đúng hơn là đang củng cố nó.

Giả thuyết duy nhất giải thích cách thoả đáng về ngôi mộ trống là Chúa Cứu Thế Giê-xu đã phục sinh từ cõi chết.

Cuộc đời của Chúa Giê-xu có ý nghĩa gì đối với bạn

Nếu Chúa Giê-xu sống lại từ cõi chết để chứng minh Ngài là Thượng Đế, thì hôm nay Ngài vẫn sống. Còn hơn là được con người thờ phượng, Ngài sẵn lòng bày tỏ chính mình và bước vào đời sống chúng ta. Chúa Giê-xu phán: “Nầy, ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng ta mà mở cửa cho, thì ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người, và người với ta.”19

Carl Gustav Jung (một nhà phân tích tâm lý học người Thuỵ Sĩ đã quá cố – ND) từng nói: “Sự rối loạn tinh thần chủ yếu trong thời đại chúng ta là sự trống vắng.” Tất cả chúng ta đều có một khát vọng sâu kín có một đời sống đầy ý nghĩa và sâu sắc. Chúa Giê-xu mời gọi chúng ta một cuộc sống dư dật và có ý nghĩa hơn, là cuộc sống bắt nguồn từ mối quan hệ với Ngài. Chúa Giê-xu phán: “Kẻ trộm chỉ đến để cướp giết và hủy diệt; còn ta đã đến, hầu cho chiên được sự sống, và được sự sống dư dật.”20

Vì Chúa Giê-xu đã chết trên thập tự giá, chất trên Ngài tất cả tội lỗi của nhân lại, nên hiện Ngài ban cho chúng ta sự tha thứ, sự chấp nhận và mối quan hệ chân thật với Ngài.

Ngay bây giờ bạn có thể mời Chúa Giê-xu bước vào đời sống bạn. Bạn có thể nói với Ngài những lời như sau: “Lạy Chúa Giê-xu, con cảm ơn Ngài đã chết thay cho tội lỗi con trên thập tự giá. Con xin Ngài tha thứ cho con và bước vào đời sống con ngay lúc này. Cảm ơn Ngài đã cho con được tương giao với Ngài.”

Nếu bạn cần thêm thông tin hay vẫn còn thắc mắc về Chúa Giê-xu là ai, xin vui lòng gửi email cho chúng tôi.

 Tôi vừa mới mời Chúa Giê-xu vào cuộc đời tôi (những thông tin hữu ích tiếp sau đây)…
 Tôi có thể sẽ mời Chúa Giê-xu vào cuộc đời tôi, xin hãy vui lòng giải thích thêm cho tôi đầy đủ…
 Tôi có một câu hỏi…

Ghi Chú: (1) Ma-thi-ơ 7:29 (2) Ma-thi-ơ 16:15-16 (3) Giăng 5:18 (4) Giăng 10:33 (5) Mác 14:61-64 (6) Giăng 8:19; 14:7 (7) Giăng 12:45; 14:9 (8) Giăng 12:44; 14:1 (9) Mác 9:37 (10) Giăng 15:23 (11) Giăng 5:23 (12) Giăng 10:38 (13) Giăng 8:46 (14) I Phi-e-rơ 2:22 (15) Ma-thi-ơ 27:54 (16) Mác 4:41 (17) Giăng 11:48 (18) I Cô-rinh-tô 15:14 (19) Khải huyền 3:20 (20) Giăng 10:10

Phỏng theo sách Know Why You Believe (Tạm dịch Biết Vì Sao Bạn Tin) của Paul E. Little, được xuất bản bởi nhà xuất bản Victor Books, bản quyền © 1988, SP Publications, Inc., Wheaton, IL 60187. Được phép sử dụng.


CHIA SẺ BÀI BÁO NÀY:
WhatsApp Share Facebook Share Twitter Share Share by Email More