×
TÌM KIẾM
EveryVietStudent.com
Một Nơi An Toàn Để Khám Phá Những
 Câu Hỏi Về Đời Sống và Đức Chúa Trời
Mối quan hệ

Tình dục và cuộc tìm kiếm sự gần gũi

Cần có điều gì để kinh nghiệm sự gần gũi thực sự với một ai đó? Tình yêu là gì? Sự gần gũi thân mật là gì?

WhatsApp Share Facebook Share Twitter Share Share by Email More PDF

Richard Purnell

Tiến sỹ Henry Brandt, trong tạp chí Collegiate Challenge (Thách thức của sinh viên), nói rằng có một hội chứng, một tình trạng chung giống nhau, khi những cặp vợ chồng đến với ông. Họ nói: “lúc ban đầu, tình dục rất hào hứng. Sau đó tôi bắt đầu cảm thấy thế nào ấy về bản thân, và rồi tôi bắt đầu cảm thấy thế nào ấy về người bạn tình. Chúng tôi cãi nhau, tranh chiến với nhau, và cuối cùng chia tay. Giờ đây chúng tôi là kẻ thù.”

Hội chứng này là cái mà tôi gọi là hội chứng buổi sáng hôm sau. Chúng ta tỉnh dậy và thấy rằng không có sự gần gũi thực sự ở đó. Quan hệ tình dục không còn thỏa mãn chúng ta nữa, và cái mà cuối cùng chúng ta có không đáp ứng điều chúng ta thực sự muốn vào lúc ban đầu. Tất cả những gì chúng ta có là hai con người ích kỷ tìm kiếm sự thỏa mãn bản thân. Những yếu tố của tình yêu và sự gần gũi đích thực không thể có được như kiểu “ăn liền”, và bạn thấy mình ở trong một trạng thái không cân bằng, muốn tìm kiếm sự hài hòa.

Mỗi người trong chúng ta có năm phần căn bản trong cuộc sống của mình. Đó là thể xác, cảm xúc, trí tuệ, xã hội và tâm linh. Tất cả năm phần này đã được thiết kế để hoạt động hài hòa với nhau. Trong cuộc tìm kiếm sự gần gũi của chúng ta, chúng ta muốn giải pháp ngay ngày hôm nay, hoặc hôm qua. Một trong những vấn đề của chúng ta là chúng ta muốn sự hài lòng ngay lập tức. Khi nhu cầu gần gũi trong một mối quan hệ không được đáp ứng, chúng ta tìm kiếm một giải pháp “ăn liền”. Chúng ta tìm kiếm ở đâu? Thể xác, trí tuệ, xã hội, cảm xúc hay tâm linh? Câu trả lời là thể xác. Gần gũi thể xác với một ai đó là điều dễ dàng nhất so với việc gần gũi trong bất kỳ lĩnh vực nào trong bốn lĩnh vực còn lại. Bạn có thể trở nên gần gũi thể xác với một người khác phái trong một giờ, hoặc nửa giờ -- chỉ phụ thuộc vào nhu cầu thúc bách! Nhưng bạn nhanh chóng phát hiện ra là tình dục chỉ có thể xoa dịu tạm thời cho một ước muốn nông nổi. Có một nhu cầu sâu sa hơn chưa được đáp ứng.

Bạn làm gì khi sự lãng mạn qua đi và càng quan hệ tình dục bạn càng không thích hơn? Chúng ta hợp lý hóa nó bằng cách nói: “Chúng tôi đang yêu. Không, ý tôi nói là thực sự đang yêu.” Vậy mà chúng ta vẫn cảm thấy có lỗi và không thỏa mãn. Trong các ký túc xá ở khắp nước Mỹ tôi đã thấy những người nam và nữ tìm kiếm sự gần gũi, trải qua hết mối quan hệ này đến mối quan hệ khác, hy vọng: “Lần này sẽ đúng. Lần này mình sẽ tìm thấy mối quan hệ bền lâu.”

Tôi tin rằng cái mà chúng ta thực sự muốn không phải là tình dục. Cái mà chúng ta thực sự muốn là sự gần gũi thân mật.

Sự gần gũi là gì?

Ngày nay, từ gần gũi đã mang những ý nghĩa tình dục. Nhưng nó nhiều hơn là thế. Nó bao gồm tất cả những chiều kích khác nhau của cuộc sống chúng ta – vâng, cả khía cạnh thể xác, nhưng còn những khía cạnh xã hội, cảm xúc, trí tuệ và tâm linh nữa. Gần gũi thực ra có nghĩa là chia sẻ toàn bộ cuộc sống. Và có phải tất cả chúng ta lúc này hay lúc khác đều từng ước muốn sự gần gũi, sự hiệp một, chia sẻ trọn vẹn cuộc sống của chúng ta với một ai đó?

Marshall Hodge đã viết trong cuốn sách có tên Your Fear of Love (Sợ yêu). Trong đó ông viết: “Chúng ta mong mỏi những khoảng khắc thể hiện tình yêu, sự gần gũi và dịu dàng, nhưng thường thì, vào điểm mấu chốt, chúng ta hay lùi lại. Chúng ta sợ gần gũi. Chúng ta sợ tình yêu.” Sau đó, trong cùng cuốn sách này, Hodge nói: “Bạn càng đến gần một ai đó, tiềm năng bị đau đớn càng nhiều.” Chính sự sợ hãi bị tổn thương thường khiến chúng ta bỏ chạy khỏi cuộc tìm kiếm sự gần gũi đích thực.

Tôi đã trình bày một loạt bài giảng tại một trường đại học ở phía nam tiểu bang Illinois. Sau một trong những buổi nhóm, một người phụ nữ đến với tôi và nói: “Tôi phải nói chuyện với thầy về những vấn đề của bạn trai tôi.” Chúng tôi ngồi xuống, và cô ta bắt đầu kể những rắc rối của mình. Sau ít phút, cô ấy nói thế này: “Từ giờ tôi quyết định sẽ không bao giờ để bị tổn thương nữa.” Tôi nói với cô: “Nói cách khác, cô quyết định sẽ không bao giờ yêu nữa.” Tưởng tôi hiểu lầm, nên cô ta tiếp tục: “Không, đó không phải là điều tôi nói. Tôi chỉ không muốn bị tổn thương nữa. Tôi không muốn có những nỗi đau trong cuộc sống mình.” Tôi nói: “Đúng vậy, cô không muốn yêu trong đời nữa.” Bạn thấy đấy, không có cái gọi là “tình yêu không đau khổ”. Chúng ta càng đến gần một ai đó, nguy cơ bị tổn thương càng cao hơn.

Tôi có thể ước đoán là bạn (và khoảng 100 phần trăm dân số) có thể nói rằng bạn đã bị tổn thương trong một mối quan hệ trước đây. Câu hỏi là, chúng ta xử lý nỗi đau đó bằng cách nào? Để ngụy trang cho nỗi đau, nhiều người trong chúng ta cho người khác cái mà tôi gọi là “tín hiệu kép.” Chúng ta nói với một người: “Xem này, em muốn anh đến gần em hơn. Em muốn yêu và được yêu… nhưng đợi chút đã, trước đây em đã bị tổn thương. Không, em không muốn nói về những đề tài này. Em không muốn nghe những thứ này.” Chúng ta dựng lên những bức tường xung quanh trái tim mình, để bảo vệ chúng ta khỏi bất kỳ ai từ bên ngoài bước vào và làm tổn thương chúng ta. Nhưng chính bức tường giữ người ta ở bên ngoài cũng sẽ giữ chúng ta bị kẹt bên trong. Kết quả là gì? Sự cô đơn len vào khiến chúng ta không thể có được sự gần gũi và tình yêu đích thực.

Tình yêu là gì?

Tình yêu nhiều hơn những cảm xúc, và nhiều hơn rất nhiều một cảm giác dễ chịu. Nhưng xã hội của chúng ta đã bỏ đi điều Đức Chúa Trời nói về tình yêu, tình dục và sự gần gũi, và biến nó thành những cảm xúc và cảm giác mà thôi. Đức Chúa Trời đã mô tả tình yêu rất chi tiết trong Kinh Thánh, đặc biệt trong sách Cô-rinh-tô thứ nhất, chương 13. Để bạn nắm bắt hết ý nghĩa tình yêu trong định nghĩa của Đức Chúa Trời, cho phép tôi trình bày từ câu bốn đến câu bảy (1 Cô-rinh-tô 13:4-7) cho bạn theo cách sau. Những nhu cầu của bạn sẽ được đáp ứng thế nào nếu một người người yêu bạn như Đức Chúa Trời nói chúng ta cần phải yêu:

  • Nếu người đó đáp ứng với bạn trong sự nhịn nhục, nhân từ và không ghen tỵ?
  • Nếu người đó khoe khoang hoặc kiêu ngạo?
  • Thế còn nếu người đó không thô lỗ với bạn và không tìm lợi cho bản thân hoặc hay tức giận thì sao?
  • Nếu người này không để bụng những lỗi lầm của bạn?
  • Thế nếu họ kiên quyết không lừa lọc, mà luôn chân thật với bạn?
  • Nếu người đó bảo vệ bạn, tin cậy bạn, luôn hy vọng điều tốt nhất ở bạn, và nín chịu những xung đột với bạn?

Đó là cách Đức Chúa Trời định nghĩa tình yêu mà Ngài muốn chúng ta kinh nghiệm trong những mối quan hệ. Bạn sẽ để ý thấy rằng loại tình yêu này tập trung “vào người khác”. Nó dâng hiến, hơn là kiếm lợi cho bản thân. Nhưng vấn đề là thế này: Ai có thể sống được như thế?

Để chúng ta kinh nghiệm loại tình yêu này trong các mối quan hệ, trước hết chúng ta phải kinh nghiệm tình yêu của Đức Chúa Trời cho chúng ta. Bạn không thể thể hiện loại tình yêu này cách nhất quán đối với một người nào đó nếu bạn chưa bao giờ kinh nghiệm mình được yêu trong cách như vậy. Đức Chúa Trời, Đấng biết bạn, biết mọi điều về bạn, yêu bạn một cách hoàn hảo.

Đức Chúa Trời nói với chúng ta qua Giê-rê-mi, một tiên tri thời xưa, rằng: “Phải, ta đã lấy sự yêu thương đời đời mà yêu ngươi; nên đã lấy sự nhân từ mà kéo ngươi đến.”1 Như vậy tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho bạn sẽ chẳng bao giờ thay đổi.

Đức Chúa Trời yêu chúng ta nhiều đến mức Ngài để Chúa Cứu Thế Giê-xu bị đóng đinh trên cây thập tự (một hình thức xử tử thời cổ) vì tội lỗi của chúng ta, để chúng ta có thể được rửa sạch tội lỗi. Chúng ta đọc thấy trong Kinh Thánh: Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.2 Khi chúng ta trở lại với Đức Chúa Trời và tiếp nhận sự tha thứ của Ngài, đó là lúc chúng ta bắt đầu kinh nghiệm tình yêu của Ngài.

Đức Chúa Trời nói với chúng ta: “Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác.”3 Đức Chúa Trời không chỉ tha thứ tội lỗi của chúng ta, Ngài còn quên chúng và làm chúng ta nên trong sạch.

Đức Chúa Trời tiếp tục yêu chúng ta dù điều gì xảy ra đi nữa. Thường thì các mối quan hệ kết thúc khi một điều gì đó trong chúng bị thay đổi, chẳng hạn một tai nạn gây tác hại lớn hoặc khả năng tài chính không còn. Nhưng tình yêu của Đức Chúa Trời không dựa trên hình thức bề ngoài hoặc chúng ta là ai và chúng ta có gì.

Như bạn có thể thấy, cái nhìn của Đức Chúa Trời về tình yêu khác xa với điều mà xã hội nói với chúng ta về tình yêu. Bạn có thể hình dung ra một mối quan hệ với dạng tình yêu như thế không? Đức Chúa Trời đơn giản nói với chúng ta rằng sự tha thứ và tình yêu của Ngài là dành cho chúng ta, chỉ cần chúng ta tin vào Ngài. Đó là món quà của Ngài cho chúng ta. Nhưng nếu từ chối món quà, chúng ta là tự cắt mình khỏi sự thỏa mãn thật, sự gần gũi thật và mục đích thật trong cuộc sống.

Câu trả lời

Tình yêu của Đức Chúa Trời mang lại câu trả lời. Tất cả những gì chúng ta cần làm là đáp ứng trong đức tin và sự cam kết. Kinh Thánh nói về Chúa Giê-xu: “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài.”4 Đức Chúa Trời sai Con Một của Ngài, là Chúa Giê-xu, chết thay cho chúng ta. Nhưng câu chuyện chưa kết thúc ở đó. Ba ngày sau, Chúa Giê-xu đã sống lại từ trong kẻ chết. Là Đức Chúa Trời, ngày nay Ngài đang sống và muốn đặt tình yêu của Ngài vào trong lòng bạn. Một khi tiếp nhận Ngài, bạn sẽ ngạc nhiên về điều Ngài có thể làm trong đời sống và trong các mối quan hệ của bạn.

Tôi tin rằng cái mà chúng ta thực sự muốn không phải là tình dục mà là sự gần gũi.

Lời Đức Chúa Trời nói với chúng ta: “Ai tin Con, thì được sự sống đời đời; ai không chịu tin Con, thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó.”5 Đức Chúa Trời muốn cho chúng ta có sự sống, không chỉ cho ngày hôm nay, nhưng cho đến đời đời. Nếu chúng ta chọn khước từ Ngài, khi ấy chúng ta đã chọn hậu quả của tội lỗi là sự chết và sự phân cách khỏi Ngài vĩnh viễn.

Sự tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu, tiếp nhận Ngài vào trong đời sống của chúng ta và tin cậy Ngài, đây chính là điều mang lại sự cân bằng cho cuộc sống của chúng ta. Đức tin vào Đức Chúa Trời khai phóng sự tha thứ của Đức Chúa Trời. Không còn ẩn náu, và không còn đi theo đường lối riêng của chúng ta nữa. Ngài đang ở ngay với chúng ta. Chúng ta có sự bình an với Ngài. Sau khi chúng ta đặt lòng tin và sự phụ thuộc vào Ngài, Ngài đến sống trong chúng ta và chúng ta có sự gần gũi với Ngài. Sự tha thứ của Ngài sẵn ở đó để làm sạch chúng ta khỏi tội lỗi sâu xa nhất, sự ích kỷ sâu xa nhất, cùng những vấn đề hoặc sự tranh chiến sâu xa nhất mà chúng ta từng có hoặc sẽ có.

Sự gần gũi làm thỏa mãn

Xuyên suốt Kinh Thánh, thái độ của Đức Chúa Trời đối với tình dục rất rõ ràng. Đức Chúa Trời đã dành tình dục cho hôn nhân và chỉ cho hôn nhân mà thôi. Không phải bởi vì Ngài muốn làm chúng ta khổ sở, nhưng bởi vì Ngài muốn bảo vệ trái tim của chúng ta. Ngài muốn xây dựng một cơ sở an ninh cho chúng ta, để khi chúng ta bước vào hôn nhân, sự gần gũi của nó có thể được đặt trên sự an ninh về tình yêu và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời.

Khi chúng ta giao phó chính mình cho Chúa Cứu Thế Giê-xu, Ngài cho chúng ta tình yêu mới và năng lực mới mỗi ngày. Đó là nơi mà sự gần gũi chúng ta đang tìm kiếm được thỏa mãn. Đức Chúa Trời ban cho chúng ta một tình yêu không bao giờ từ bỏ, và sẽ không bao giờ chấm dứt dẫu năm tháng qua đi và thời thế đổi thay. Tình yêu của Ngài có thể mang hai người lại với nhau, với Ngài làm trung tâm của sự liên hiệp ấy. Trong mối quan hệ hẹn hò, khi các bạn cùng lớn lên, không chỉ về tinh thần, nhưng còn xã hội, trí tuệ và cảm xúc, bạn có thể có một mối quan hệ chân thật, quan tâm và gần gũi, khiến thỏa mãn và hào hứng! Và khi mối quan hệ tiếp tục với cao trào là hôn nhân, sự liên kết tình dục sẽ đề cao cái nền tảng đã được thiết lập.

Bạn có thể tiếp nhận món quà của Đấng Cứu Thế ngay giờ này bởi đức tin qua sự cầu nguyện. Cầu nguyện là nói chuyện với Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời biết tấm lòng của chúng ta và Ngài quan tâm thái độ của tấm lòng bạn hơn là những lời nói của bạn. Sau đây là một lời cầu nguyện gợi ý: “Chúa Giê-xu ơi, con cần Ngài. Cám ơn Ngài vì đã chết trên thập tự giá vì tội lỗi của con. Con xin mở cửa đời sống mình và tiếp nhận Ngài như là Cứu Chúa của con. Cám ơn Ngài vì tha thứ tội lỗi của con và cho con sự sống đời đời. Hãy kiểm soát đời sống con và làm con trở thành con người mà Chúa muốn con trở thành.”

Lời cầu nguyện này có diễn tả được ước muốn của lòng bạn không? Nếu đúng vậy, hãy cầu nguyện lời cầu nguyện này ngay bây giờ. Đặt đức tin của bạn vào Đấng Cứu Thế sẽ dẫn đến việc Ngài bước vào đời sống bạn như Ngài đã hứa. Điều này sẽ bắt đầu một mối quan hệ gần gũi hơn với Ngài khi bạn biết Ngài nhiều hơn. Có Chúa ở trung tâm, cuộc sống bạn sẽ có một chiều kích hoàn toàn mới – một chiều kích tâm linh – mang đến sự hài hòa và thỏa mãn hơn tất cả các mối quan hệ của bạn.

 Tôi vừa mới mời Chúa Giê-xu vào cuộc đời tôi (những thông tin hữu ích tiếp sau đây)…
 Tôi có thể sẽ mời Chúa Giê-xu vào cuộc đời tôi, xin hãy vui lòng giải thích thêm cho tôi đầy đủ…
 Tôi có một câu hỏi…

Ghi Chú: (1) Giê-rê-mi 31:3 (2) Giăng 3:16 (3) 1 Giăng 1:9 (4) Giăng 1:12 (5) Giăng 3:36

© 1997 Richard Purnell. Richard Purnell đã nói chuyện tại hơn 450 trường đại học và cao đẳng. Ông là tác giả của 12 đầu sách, trong đó có Becoming a Friend and Lover (Trở thành bạn và người tình)Free to Love Again: Coming to Terms with Sexual Regret (Tự do để yêu một lần nữa: Đi đến những giới hạn của sự hối tiếc tình dục.)


CHIA SẺ BÀI BÁO NÀY:
WhatsApp Share Facebook Share Twitter Share Share by Email More