×
TÌM KIẾM
EveryVietStudent.com
Một Nơi An Toàn Để Khám Phá Những
 Câu Hỏi Về Đời Sống và Đức Chúa Trời
Mối quan hệ

Liệu Có Hy Vọng Được Một Cuộc Hôn Nhân Bền Vững?

Lời khuyên sau về quan hệ hôn nhân sẽ giúp bạn giảm thiểu những vấn đề trong hôn nhân và khỏi phải trở thành một số liệu thống kê về ly dị.

WhatsApp Share Facebook Share Twitter Share Share by Email More PDF

Dennis Rainey

Một phụ nữ có lần đã chia sẻ với tôi quan điểm của cô ta về hôn nhân:

“Giống như tôi đang nhìn lướt qua một sa mạc với một cặp ống nhòm. Nhìn vào đâu tôi cũng thấy những thân người trong các giai đoạn khác nhau của sự chết và đang sắp chết – ly dị, ly thân, nhục mạ và suy sụp, đủ loại hủy hoại. Sau khi xem thấy điều này tôi tự hỏi: Tại sao mình lại muốn bắt đầu cuộc hành trình này cơ chứ?"

Nhiều sinh viên ngày nay cũng đang đặt câu hỏi tương tự. Mặc dù vô cùng ước ao sự an toàn và niềm vui của một mối quan hệ kéo dài cả đời, họ lại sợ hôn nhân. Một tân cô dâu đã nói trong một bài báo của tạp chí Newsweek: “Tôi đã chứng kiến hôn nhân của bố mẹ tôi đổ vỡ, và tôi không biết tôi có thể gìn giữ đuợc hôn nhân của mình không.”1

Hậu Quả Của Tỷ lệ Ly dị Cao

Chưa có thế hệ nào bước vào độ tuổi hôn nhân lại mang theo mình hành l‎ý gia đình đổ vỡ nặng nề hơn. Tại Hoa Kỳ hàng năm hơn một triệu trẻ em kinh nghiệm gia đình của chúng bị đổ vỡ.2

Rất nhiều sinh viên còn nhớ những kinh nghiệm kiểu như sau:

Mary: Một buổi chiều cô từ trường về nhà và gặp bố cô đang xách va-li đi ra cửa. Ông đang bỏ nhà ra đi. “Bố sẽ quay lại để gặp con, con yêu ạ” – ông nói. Bố của Mary hôn lên trán cô và bỏ đi. Từ ấy đến nay cô chưa được gặp lại ông.

Robert: Bố mẹ của anh ly dị khi anh mới lên năm. Anh sống với mẹ, người đã cưới ba người đàn ông khác và uống rượu rất nhiều. Người bố dượng đã đánh Robert chỉ vì anh làm đổ nước cô-ca ra xe.

Carrie: Bố mẹ cô vẫn sống bên nhau nhưng họ chỉ tập trung vào nghề nghiệp đang phát đạt của mình. Bố và mẹ cô hiếm khi tham dự những buổi hòa nhạc của cô khi cô học trung học, và giờ đây khi cô đã học đại học ở xa, hiếm khi cô trò chuyện với họ. Khi gia đình liên lạc với nhau, thì thường là qua email hoặc tin nhắn trên máy trả lời tự động.

Philip: Vào cuối năm cấp hai Philip bị đánh thức giữa đêm vì tiếng bố mẹ của anh đang cãi nhau. Anh nghe thấy tiếng đổ vỡ và la hét. Philip thấy mẹ ở bếp, đang chảy máu vì bị thương do dao đâm. Philip gọi cảnh sát và họ đã bắt bố của anh. Philip, mẹ anh, và hai đứa em gái chuyển sang sống ở một nhà trú tạm. Anh không biết bố của anh sống ở đâu.

Có lẽ bạn biết những người như Mary, Robert, Carrie và Philip. Có thể những kinh nghiệm của chính bạn cũng giống với những kinh nghiệm của họ hoặc thậm chí còn tồi tệ hơn. Có thể gia đình bạn đang sôi lên vì xung đột, bất hòa và xáo động. Do đó, bạn đã suy nghĩ rất nhiều về việc bạn có nên bước vào hôn nhân không – bạn không muốn kết thúc trong một mối quan hệ đầy thương đau và thất vọng, và gây nên những tổn thương tình cảm trong con cái của chính mình. Bạn thích ý tưởng chia sẻ cuộc đời mình với người yêu bạn, nhưng nếu thành thật thì bạn thấy hôn nhân khá đáng sợ. Có thể bạn tự hỏi: “Liệu có lúc nào đó mình có thể vượt lên khỏi những tổn hại mà gia đình mình đã gây ra cho mình? Liệu mình có thể kinh nghiệm một hôn nhân và gia đình hạnh phúc và lành mạnh?”

Câu trả lời chắc chắn là có.

Từ năm 1976 tôi đã làm việc với một tổ chức giúp đỡ các gia đình và đã được thấy hàng ngàn hôn nhân thành công dù ban đầu tưởng chừng vô vọng. Đức Chúa Trời có cách cho những con người tan vỡ lại được kinh nghiệm những mối quan hệ đầy trọn. Sẽ nói thêm về điều này sau.

Hôn nhân – đáng giá để vượt qua những vấn đề

Với tất cả những rắc rối và đau khổ, tại sao người ta vẫn muốn bước vào hôn nhân? Mặc dù ngày nay báo chí nói rất nhiều điều xấu về hôn nhân, được sánh bước bên nhau trong giáo đường vẫn là một nghi lễ rất phổ biến. Một nghiên cứu gần đây của Louis Harris đã cho thấy 96% sinh viên đại học muốn lập gia đình hoặc đã lập gia đình. Chín mươi bảy phần trăm đồng ý với câu nói: “Có mối quan hệ gia đình gần gũi là chìa khóa đến hạnh phúc.”3

Như vậy, mặc dù khoảng một phần tư dân số Mỹ ở độ tuổi mười tám trở lên đang ly dị, cơ hội có một hôn nhân tốt,4 lâu dài vẫn khiến hầu như ai cũng muốn thử. Nhưng tại sao hôn nhân lại hấp dẫn đến vậy cơ chứ?

Sự thật là chẳng ai muốn cô đơn. Mặc dù chúng ta quan trọng hóa chuyện “làm việc riêng” và khăng khăng đòi quyền cá nhân, tất cả chúng ta đều mong mỏi sự an ninh và ấm áp của một mối quan hệ gần gũi với một người nào đó đang say mê chúng ta. Chúng ta có thể nói chúng ta “muốn ở một mình” và mong “một không gian riêng nào đó”, nhưng ước muốn mạnh hơn của chúng ta là chia sẻ không gian nào đó với một ai đó yêu thương chúng ta.

Và mặc dù những hấp dẫn tình dục là một phần quan trọng trong ước muốn gần gũi của chúng ta, những ao ước được kết hiệp sâu sắc với một người khác không phải chỉ vì tình dục. Ước muốn cháy bỏng để được biết và trân trọng bởi một ai đó khác trước hết là vì chúng ta đã được thiết kế nên như vậy.

Những lý do khiến tỷ lệ ly hôn cao

Thế thì tại sao nhiều người, những người muốn và cần được gần gũi với ai đó, lại kết thúc bằng ly dị, thường thì đầy bực tức và chán nản đến vậy? Nhiều người lập gia đình cố gắng đạt được một mối rằng buộc chắc chắn, bền lâu mà lại chủ yếu dựa trên cảm xúc. Trong đa số các mối quan hệ, người ta vẫn còn yêu và tiếp nhận người khác chừng nào người ấy vẫn đang đáp ứng một mức độ kỳ vọng nào đó. Nếu cảm xúc vẫn nồng ấm, một người chồng và vợ có thể vui ở bên nhau, bỏ qua những tính nết khó chịu và gây phiền toái của đối phương, họ vẫn truyền thông một cách thỏa đáng và vẫn biểu lộ tình thương mến.

Nhưng khi cảm xúc nguội lạnh, một hoặc cả hai thấy họ không còn sức lực hoặc khả năng yêu thương một con người rõ ràng không hoàn hảo như thế. Giờ đây, những nhu cầu không được đáp ứng, tạo nên tổn thương, dẫn đến sự tự vệ, làm giảm sự truyền thông tích cực, làm gia tăng sự hiểu lầm, kích động sự xung đột, cung cấp nhiên liệu cho sự bực tức và cay đắng. Nếu sự tha thứ và hòa giải không phá vỡ đường xoắn ốc đi xuống này, khả năng yêu nhau sẽ bị tê liệt.

Hầu như trong mọi mối quan hệ có thể tránh được khuôn mẫu này trong một thời gian, chừng nào những vấn đề nghiêm trọng kích động tính ích kỷ chưa xuất hiện hoặc bị che đậy. Nhưng sớm hay muộn hiện thực cũng lộ ra. Bất chấp những ý định tốt nhất của vợ và chồng, cuối cùng họ nhận ra rằng hai con người độc lập không thể đều có tất cả những nhu cầu của mình được đáp ứng luôn luôn.

Lời khuyên trong quan hệ hôn nhân -- Làm thế nào để tránh những vấn đề hôn nhân

Để một mối quan hệ thành công, cần có tinh thần đồng đội và cả hai cần phải từ bỏ nhiều ước muốn riêng của mình. Tinh thần hy sinh phải thay thế cho tính ích kỷ. Đôi khi một người trong hôn nhân có thể làm điều này tương đối tốt, nhưng cuối cùng lòng kiên nhẫn cũng hết. Tinh thần hy sinh không phải tự nhiên mà có; tính ích kỷ thì lại đúng như vậy. Tại sao lại như thế?

Nếu chúng ta sống trong một thế giới mà mọi người đều hoàn hảo, khi đó hôn nhân của họ sẽ diễn ra trong sự hài hòa trọn vẹn, đúng như cách ban đầu Đức Chúa Trời muốn cho hôn nhân hoạt động. Nhưng chúng ta đang không sống trong một thế giới hoàn hảo. Nói thẳng ra thì tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi xu hướng ích kỷ và “tội lỗi”. Tội lỗi là gì? Chúng ta thường chọn điều sai mà không chọn điều đúng. Chúng ta có thể ích kỷ, tầm thường, hay tổn thương, cay đắng, kiêu ngạo, không sẵn sàng tha thứ, và vân vân. Chẳng có gì lạ khi các ông chồng và bà vợ phải vật lộn để tiếp tục sống bên nhau.

Thái độ tôi-muốn-nhu-cầu-của-tôi-được-đáp-ứng trong các mối quan hệ bẻ gẫy tinh thần cộng tác cần phải có. Vòng tròn tiêu cực bắt đầu và tiếp tục cho đến khi sự thân mật không còn và hôn nhân bắt đầu đổ vỡ.

Hãy đối diện với điều này, tất cả chúng ta đều cần sự giúp đỡ -- một sức mạnh nội tâm nào đó, giúp chúng ta có thể yêu người khác theo cách cần phải yêu, để cho hôn nhân còn có cơ hội cứu vãn.

Liệu kết thúc của bạn có hậu hơn?

Hành vi ích kỷ, tội lỗi của chúng ta không chỉ phân cách chồng và vợ, nhưng còn phân cách chúng ta khỏi Đức Chúa Trời – nguồn giúp đỡ lớn lao nhất của chúng ta. Là Người Khởi Xướng và Thiết Kế hôn nhân, Ngài biết làm thế nào để có mối quan hệ tốt. Ngài muốn trước hết chúng ta có mối quan hệ với Ngài, và sau đó xin sự chỉ dẫn từ Ngài.

Đức Chúa Trời không chỉ giúp chúng ta trong những vấn đề và thách thức mà chúng ta đối mặt hàng ngày, Ngài còn có thể chữa lành chúng ta khỏi những đau khổ và thương tổn đã tích lũy trong quá khứ. Ví dụ, Ngài cho chúng ta sự tha thứ và rửa sạch hoàn toàn khỏi những lựa chọn sai trái trong mối quan hệ với người khác phái mà chúng ta có thể đã làm khi còn là thanh thiếu niên. Đức Chúa Trời yêu chúng ta và Ngài muốn chúng ta vui hướng những ích lợi vì được làm con cái Ngài, và điều ấy bao gồm cả sự giúp đỡ của Ngài trong hôn nhân.

Tôi muốn minh họa điều này bằng hai hoạt cảnh với sự tham gia của một cặp vợ chồng điển hình. Trong ví dụ thứ nhất, cặp vợ chồng của chúng ta (hãy gọi họ là Jon và Lisa) không nhìn nhận bất cứ một sự tham gia tích cực nào của Đức Chúa Trời trong đời sống họ. Trong Cảnh B, Jon và Lisa không chỉ có mối quan hệ với nhau, mà họ còn có mối quan hệ với Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Những vấn đề có thể có trong hôn nhân – Cảnh A:

Đó là sáng thứ bảy và Jon muốn chơi gôn với bạn bè của mình. Anh lăn mình ra khỏi giường và nói với Lisa rằng anh đi chơi đến khoảng 4 giờ chiều mới về nhà. Lisa phàn nàn: “Anh đã hứa ngày hôm nay chúng ta có thể đi dã ngoại mà!”

“Anh có nói thế bao giờ đâu”, Jon nói, giọng bực tức. “Dù sao đi nữa, đã hai tuần rồi anh không chơi gôn. Hôm nay thời tiết đẹp. Anh đi chơi đây.” Jon dập cửa khi ra khỏi nhà.

Lisa cảm thấy bị hắt hủi và sau khi khóc một lát, cô bực bội bước đi huỳnh huỵch trong căn hộ và ném những chiếc gối từ đi-văng xuống sàn nhà.

“Tôi sẽ cho anh biết tay, đồ ngốc “, cô la lên. Cô gọi điện cho người bạn gái và hẹn nhau đi ăn trưa và mua sắm. Tại cửa hàng, Lisa bỏ ra 300$ để mua quần áo mới – cô cần một bộ quần áo ngoài thôi, nhưng nhờ việc mua “thêm” một số thứ khác, cô biết Jon sẽ nổi trận tam bành. Thẻ tín dụng của họ giờ đã gần đạt giới hạn tối đa.

Trong khi đó, Jon đang sắp chơi xong ván gôn của mình. Anh dừng lại để uống với bạn bè tại quán của câu lạc bộ gôn. Một chén nhanh chóng biến thành hai chén. Jon để ý thấy cô nữ tiếp viên ở đó thật xinh đẹp. Khi người con gái trẻ ấy đưa cho Jon chén thứ ba, anh thầm thì một lời tâng bốc vào tai cô ta. Người con gái ra vẻ bị xúc phạm, nhưng nụ cười của cô ta chứng tỏ Jon đang ghi điểm. Lần sau quay lại, anh đã thấy số điện thoại của cô ta được ghi trên tờ giấy ăn đặt dưới cốc. Jon nhét tờ giấy vào túi ngực.

Jon về nhà lúc 5 giờ chiều, bước đi hơi lảo đảo. Lisa đang xem ti-vi vặn to hết cỡ. Anh để ý thấy mấy cái túi trên đi-văng. Anh giận dữ tắt ti-vi và chỉ vào mấy cái túi. Lisa chửi thề và đi vào phòng ngủ, dập mạnh cửa sau lưng. Họ cãi nhau đến tận đêm. Cuối cùng Jon ngủ trong phòng khách.

Những vấn đề có thể có trong hôn nhân – Cảnh B:

Đó là sáng thứ bảy và Jon muốn chơi gôn với bạn bè của mình. Anh lăn mình ra khỏi giường và nói với Lisa rằng anh đi chơi đến khoảng 4 giờ chiều mới về nhà. Lisa trông có vẻ rất ngạc nhiên và nói: “Em tưởng ngày hôm nay chúng ta đi dã ngoại!”

“Chà, ngày mai chúng ta đi được không?” Jon nói, giọng bực bội. “Dù sao đi nữa, đã hai tuần rồi anh không chơi gôn. Thời tiết hôm nay đẹp quá. Anh đi đây!” Jon đóng cửa mạnh khi ra khỏi nhà.

Lisa cảm thấy bị hắt hủi và sau khi khóc một lát, cô bực bội đi huỳnh huỵch trong căn hộ và ném những chiếc gối từ đi-văng xuống sàn nhà.

“Đồ ngốc!” cô hét lên, ước gì cô có thể nói thẳng vào mặt Jon, cho anh thấy cô bực tức đến mức nào.

Lisa quyết định đi dạo, và lúc cô đi qua công viên, những đau đớn và bực tức trong cô nguôi đi. Trên đường trở về nhà cô đã có thể cầu nguyện: “Chúa Giê-xu yêu dấu ơi, con thật rất bực Jon và con nghĩ anh ấy đang ích kỷ. Xin hãy giúp con đừng trở nên cũng ích kỷ và không kiểm soát được cơn giận của mình!”

Lisa quyết định gọi điện cho người bạn gái và rủ nhau đi ăn trưa sớm rồi đi cửa hàng một lát. Khi ở cửa hàng, Lisa mua một bộ quần áo ngoài mới.

Trong khi đó, Jon đang kết thúc đường số chín trong trận gôn của mình. Anh và bạn bè dừng lại để ăn bánh và uống nước tại quán ăn nhẹ của câu lạc bộ. Jon để ‎ thấy cô gái đứng sau quầy tính tiền thật dễ thương, nhưng anh chỉ mỉm cười thân thiện với cô và đi ra với lũ bạn của mình. Sáng sớm hôm nay Jon đã nghĩ Lisa hay kêu ca và giữ anh khư khư – không muốn cho anh có thời gian vui vẻ với bạn bè. Nhưng giờ đây Jon cảm thấy có lỗi trong cách cư xử với vợ. Anh cảm thấy không được vui.

“Này các cậu,” Jon thông báo, “Hôm nay tớ chơi đến đây thôi và tớ về nhà đây. Tớ cần dành chút thời gian ở với Lisa.” Hai trong số những người bạn của anh chọc ghẹo anh, nhưng Jon vẫn giữ quyết định của mình.

Khi Lisa về nhà vào lúc 1 giờ chiều, cô ngạc nhiên thấy Jon đang ngồi ở bàn bếp. Cô để ý thấy cái giỏ đi dã ngoại đặt ở ngoài, một nửa đầy đồ ăn uống.

“Sao anh về nhà sớm thế?” cô hỏi, giọng rõ ràng vẫn còn bị tổn thương.

“Anh xin lỗi vì cách anh cư xử sáng nay,” Jon nói. “Anh muốn chơi gôn và không quan tâm đến nhu cầu của em. Anh nghĩ anh đã thật ích kỷ. Em tha lỗi cho anh chứ?”

Lisa bậm môi. Cô vẫn bị tổn thương, nhưng Jon trông có vẻ thật sự hối lỗi. Vả lại, cũng thật lạ là anh chơi gôn về sớm thế. “Vâng, em tha lỗi cho anh,” Lisa nói khẽ.

Họ ôm nhau, Jon nói: “Chúng ta bắt đầu lại ngày hôm nay được không? Anh về nhà sớm vì nghĩ rằng có thể chúng ta vẫn còn thời gian để đi dã ngoại? Em có muốn đi không?”

Lisa cố hết sức để không bĩu môi và bắt Jon “trả giá”. Thay vào đó cô mỉm cười và lắc đầu.

Ngày hôm đó đã thay đổi cho cả Jon lẫn Lisa. Cả hai đã không còn bực tức. Mối quan hệ lại được tươi mới như đất sau trận mưa xuân. Đức Chúa Giê-xu đã hành động trong cuộc sống của cả hai, trước hết chỉ cho họ thấy cách cần sống và sau đó cho họ sức mạnh để từ bỏ bản thân và tha thứ -- hai hành động căn bản trong tình yêu nhưng rất khó thực hiện một cách nhất quán và chân thật nếu không có sự giúp đỡ của Chúa.

Tất nhiên, hai cảnh này chỉ cho một cái nhìn bề mặt về một tình huống quan hệ phức tạp giữa người với người, nhưng chúng thực sự minh họa sự can thiệp của Đức Chúa Trời vào cuộc sống của chồng và vợ, và hôn nhân của họ có sự khác biệt. Đức tin của người tin Chúa không chỉ là tập hợp của những nguyên tắc và luật lệ -- mà là mối tương giao sống động, liên tục với Đức Chúa Trời, qua đó chúng ta nhận được sự dẫn dắt và sức mạnh để sống một cuộc sống theo đúng mục đích cần phải sống.

Để tránh trở thành một số liệu thống kê về ly dị -- hãy nghe Lời Đức Chúa Trời

Trong Kinh Thánh, Đức Chúa Trời nói rất rõ ràng về sự tàn phá của ly dị, về sự cần thiết phải khiêm nhường coi nhu cầu của người khác quan trọng hơn nhu cầu của chính mình, về việc trung thực với nhau, về việc tránh sự ô uế tình dục, và nhiều điều hơn nữa. Nhưng được nghe điều không nên làm không nhất thiết có nghĩa là chúng ta không muốn làm điều đó. Sự dẫn dắt của Ngài thường khác với điều chúng ta cảm thấy muốn làm (ví dụ, nói thật với người bạn đời trong khi nói dối có vẻ nhưng rất ích lợi). Nhưng hết lần này đến lần khác các cặp vợ chồng đã thấy Đức Chúa Trời vô cùng khôn ngoan, và chúng ta cũng thật thông minh khi tin tưởng và làm theo kế hoạch của Ngài trong việc xây dựng những mối quan hệ.

Ví dụ, Đức Chúa Trời vẫn nói rằng gần gũi thể xác phải diễn ra sau hôn nhân. Tuy nhiên, trong văn hóa của chúng ta 64% sinh viên đại học trong một cuộc tham khảo ý kiến đã đồng ý với câu nói sau: “Sống chung như vợ chồng trước hôn nhân là một ý tưởng hay.”5 Nhiều người trong số những sinh viên này đã chứng kiến hôn nhân của bố mẹ họ đổ vỡ và nghĩ rằng “sống thử” có vẻ như một ý tưởng hay.

Vậy tại sao Đức Chúa Trời lại đặt hôn nhân trước quan hệ tình dục? Bởi vì Ngài muốn chúng ta kinh nghiệm sự gần gũi lâu dài, thỏa mãn. Làm sao hai người có thể cảm thấy đủ an ninh để trở nên hoàn toàn dễ bị thương tổn – một đòi hỏi cho mối quan hệ sâu đậm – trong một môi trường mà bất kỳ người nào cũng có thể ra khỏi nó bất cứ lúc nào? Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ ly dị giữa những cặp đã sống thử trước khi cưới trên thực tế lại cao hơn.6 Sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời chẳng bao giờ sai mà luôn luôn đúng. Và những sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời luôn xuất phát từ tình yêu cuả Ngài hay quan tâm và bảo vệ cho chúng ta.

Nhưng Đức Chúa Trời không chỉ muốn trở thành nhà tư vấn hôn nhân, ban phát lời khuyên cho cuộc sống của chúng ta. Ngài muốn chúng ta biết Ngài, ở trong mối quan hệ với Ngài, và tin tưởng Ngài. Để thật sự yêu một người nào đó khác, Ngài nói trước hết chúng ta phải kinh nghiệm tình yêu không điều kiện và luôn sắc son của Ngài dành cho chúng ta.

Được thúc đẩy bởi tình yêu của Ngài dành cho chúng ta, Đức Chúa Trời đã làm một điều kỳ diệu vì lợi ích của chúng ta. Như đã nói, sự ích kỷ chia rẽ chúng ta khỏi nhau, và đặc biệt nó phân cách chúng ta khỏi Đức Chúa Trời là Đấng thánh và trọn vẹn. Kinh Thánh nói: “tội lỗi ngươi đã phân cách ngươi khỏi Đức Chúa Trời ngươi.”7 Không có việc thiện nào từ phía chúng ta có thể xóa bỏ được tội lỗi của chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời. Tồi tệ hơn, có hình phạt cho tội lỗi của chúng ta… là sự chết. Điều đó có nghĩa là sự phân cách đời đời khỏi Đức Chúa Trời, thậm chí sau cuộc sống của chúng ta trên đất. Và chẳng có gì chúng ta có thể làm để sửa chữa điều này. Những tiêu chuẩn của Ngài đòi hỏi sự hoàn hảo, và chúng ta không thể với tới được. Tuy nhiên, công lý của Đức Chúa Trời được song hành bằng tình yêu lớn lao của Ngài – thể hiện qua giải pháp mà Ngài đã cung ứng cho chúng ta.

Chúa Cứu Thế Giê-xu, hay Đức Chúa Trời trong hình dạng con người, đã đến để trả giá hình phạt là sự chết vì tội lỗi của chúng ta. Chúa Giê-xu đã đến còn để dạy chúng ta về đường lối của Đức Chúa Trời và ban cho chúng ta cuộc sống ý nghĩa. Nhưng Ngài đã nói rằng mục đích chủ yếu của Ngài khi đến như một con người là để chết thay cho chúng ta. Ngài đã trả giá đầy đủ cho những tội lỗi của chúng ta – của tôi, của bạn, và của cả thế giới – khi bị treo trên thập tự giá (một hình thức xử tử của người La-mã), để chúng ta có thể được tha thứ. Sau khi bị chôn trong ba ngày, Chúa Giê-xu đã sống lại trong thân thể. Nhiều người tận mắt chứng kiến đã đi nói với thế giới về Ngài và sự sống mà Đức Chúa Trời đang mời gọi chúng ta đến nhận.

Vượt Qua Những Vấn Đề trong Hôn Nhân – Trước Hết, Hãy Bắt Đầu Mối Quan Hệ Với Đức Chúa Trời

Chẳng phải nhờ việc làm của chúng ta mà chúng ta được Đức Chúa Trời tiếp nhận. Ngài mời gọi chúng ta bước vào mối quan hệ với Ngài như một món quà miễn phí. Nhưng có muốn tiếp nhận sự tha thứ của Ngài và bước vào mối quan hệ với Ngài hay không lại là lựa chọn của chúng ta. Chúa Giê-xu đã nói: Vậy Đức Chúa Giê-xu đáp rằng: Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha.8 Ngài muốn đi vào cuộc sống của chúng ta, nhưng một lần nữa, đó là một quyết định cá nhân mà chúng ta phải làm. Nếu hôn nhân là một quyết định quan trọng, thì quyết định này thậm chí còn quan trọng hơn nữa. Bạn có muốn có một mối quan hệ đời đời với Đức Chúa Trời và để Ngài ảnh hưởng trên đời sống của bạn không? Bạn có muốn được dẫn dắt bởi sự khôn ngoan của Ngài và được hỗ trợ bởi sức mạnh của Ngài không?

Nếu thế, bạn có thể cầu xin Ngài bước vào cuộc đời của bạn ngay giờ này. Giống như một cặp vẫn chưa nên nghĩa vợ chồng trước khi họ thực sự làm một sự cam kết công khai “Anh (em) sẽ!”, bắt đầu mối quan hệ với Đức Chúa Trời cũng là một hành động có ý thức của ý chí. Chúa Giê-xu đã nói: Nầy, ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng ta mà mở cửa cho, thì ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người, và người với ta.9 Kinh Thánh nói: Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài.”10

Bạn có muốn biết tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho bạn và cầu xin Ngài bước vào lòng bạn? Đây có thể là một cách để bạn bày tỏ điều này với Ngài: “Chúa Giê-xu ơi, Con muốn có Ngài trong đời sống mình. Con muốn Ngài dẫn dắt con, và tha thứ mọi tội lỗi con. Cám ơn Ngài vì đã trả giá cho tội lỗi của con trên thập tự giá. Giờ đây con xin Ngài bước vào đời sống con. Cám ơn Ngài vì lời hứa rằng Ngài sẽ bước vào cuộc đời con, nếu con mở cửa lòng mình, và đó là điều con đang làm đây. Cám ơn vì giờ đây con có thể bắt đầu thực sự biết Ngài. A-men.”

Nếu bạn đã thành tâm cầu nguyện điều này, bạn đã bắt đầu một mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Điều này có hiệu quả gì trên những vấn đề hôn nhân của bạn? Bạn có thể có một hôn nhân đầy tình yêu. Giống như tất cả những người chồng và vợ khác, bạn sẽ phạm nhiều sai lầm và đôi khi bạn cần nỗ lực hết sức để có được một hôn nhân tốt. Nhưng, khi bạn nương cậy nơi Ngài, Đức Chúa Trời sẽ ban cho bạn sức mạnh và tầm nhìn cần thiết, để yêu người bạn đời của bạn trong một cách không ích kỷ, vị tha và được kinh nghiệm một hôn nhân lâu bền.

 Tôi vừa mới mời Chúa Giê-xu vào cuộc đời tôi (những thông tin hữu ích tiếp sau đây)…
 Tôi có thể sẽ mời Chúa Giê-xu vào cuộc đời tôi, xin hãy vui lòng giải thích thêm cho tôi đầy đủ…
 Tôi có một câu hỏi…

Ghi Chú: (1) Kendall Hamilton and Pat Wingert, "Down the Aisle," Newsweek, 20 July 1998, p. 54. (2) John J. DiIulio, Jr., "Deadly Divorce," National Review, 7 April 97. (3) "Generation 2001: A Survey of the First College Graduating Class of the New Millennium," conducted in 1997-1998 by Louis Harris and Associates for Northwestern Mutual Life Insurance Company, 720 E. Wisconsin Ave., Milwaukee, WI 53202, pp. 8, 11. (4) DiIulio, Jr., "Deadly Divorce." (5) Generation 2001: A Survey, p. 11. (6) Shervert H. Frazier, Psychotrends (New York: Simon & Schuster, 1994), p. 106 (7) Ê-sai 59:2 (8) Giăng 14:6 (9) Khải Huyền 3:20 (10) Giăng 1:12

Dennis Rainey là giám đốc Sự Sống Gia Đình, một bộ phận của Campus Crusade for Christ. Ông cũng còn là tác giả và người dẫn chương trình truyền thanh “Sự Sống Gia Đình Ngày Nay.” Ông và vợ, Barbara, có sáu con.


CHIA SẺ BÀI BÁO NÀY:
WhatsApp Share Facebook Share Twitter Share Share by Email More